Ngày ấy, uy danh Tạ Đình Đề rất lớn. Đội biệt động của ông cũng có nhiều tay súng đặc biệt.
“Ông Râu, tức Tạ Đình Đề rút nhanh khẩu súng ngắn walther 9 li bắn rớt điếu thuốc lá bị tẩm độc mà vị lãnh đạo được ông bảo vệ vừa đưa lên môi để cứu thoát khỏi âm mưu ám sát. Ông cũng từng hai tay hai súng hạ nhục sư đoàn trưởng Quốc Dân đảng đóng ở Sơn Tây trong một trận đấu súng nảy lửa…”.
Người xưa đã mất rồi, nhưng những giai thoại như huyền thoại một thời thì vẫn còn đó.
Buổi tối giao mùa ở Hà Nội, tôi ngồi lặng nhìn các đoàn xe lửa rền rĩ ngang qua con phố Lê Duẩn mà nghe bạn bè xưa của ông ôn kỷ niệm về người bạn kiêu hùng.
Đội biệt động Tạ Đình Đề
Người cựu tiểu đoàn trưởng pháo binh 523 Hoàng Giáp từng tham chiến ở Điện Biên Phủ và là đồng đội của Tạ Đình Đề trong những năm kháng Pháp 1945 – 1954 thở dài nhớ bạn: “Tính ông ấy tếu táo mà rất ít kể chiến công mình, nguyên tắc của nghề tình báo. Nên nhiều chuyện truyền miệng nghe cứ như giai thoại, mà giai thoại này thì đã râm ran từ hồi chín năm chống Pháp rồi”.
Những ngày còn khỏe, người cựu chiến binh Điện Biên Phủ nhắc nhớ về bạn chỉ những chuyện gì chính mắt ông thấy hoặc có thể xác thực được.
Sau Thế chiến thứ hai, Pháp tái chiếm nước Việt. Tạ Đình Đề được cử làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn biệt động liên khu 3. Ngoài ra, ông còn giữ trọng trách phó ban tình báo liên khu và tham gia trung đoàn Tây Tiến. Nhiệm vụ đội biệt động này là trừ gian, diệt bạo, quấy rối hậu phương địch, ngăn chặn sớm các cuộc hành quân của Pháp đánh phá lực lượng kháng chiến.
Trong lúc bạn chỉ huy đội tác chiến trực tiếp, Hoàng Giáp lúc này chưa về tiểu đoàn pháo binh, mà vẫn công tác địch vận ở liên khu 3. Nhiệm vụ cả hai đều phải thường xuyên trao đổi thông tin, nên ông Hoàng Giáp rất gần gũi và biết rõ đường đi nước bước tay súng Tạ Đình Đề.
Ngày ấy, uy danh Tạ Đình Đề rất lớn. Đội biệt động của ông cũng có nhiều tay súng đặc biệt. Một số người do chính ông tuyển chọn từ dân “anh chị”, lơ xe với đủ khí chất bạt mạng, gan liều. Đặc biệt, không ai khác ngoài họ nắm chắc địa bàn, để tiến hành những trận đánh xuất quỷ nhập thần, dù sau này một số đối tượng cũng đem đến cho Tạ Đình Đề lắm tai ương, phiền muộn.
Tiểu đoàn biệt động gồm ba đại đội tác chiến. Nguyễn Phương là đại đội trưởng đại đội 1 trải trên địa bàn Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây. Đại đội trưởng đại đội 2 Hồ Du Tử, tức Lê Phan, hoạt động ở vùng Nam Định, Ninh Bình. Còn đại đội 3 do Lê Đức chỉ huy đóng ở vùng Quỳnh Côi, Thái Bình.
Mang tiếng là đại đội, nhưng quân số rất ít, có đại đội thực quân chỉ vài chục người. Tuy nhiên, hầu hết thành viên trong tiểu đoàn biệt động đều là các tay thiện xạ, tinh nhuệ võ thuật và… không sợ chết.
Nhiều buổi, Tạ Đình Đề trực tiếp huấn luyện đội quân đặc biệt này. Đó là các kỹ thuật cận chiến bằng súng ngắn, võ thuật, dao găm, lựu đạn và cả các kỹ thuật sử dụng điện đài, phi ngựa, lái ô tô… mà ông đã được truyền đạt ở Trường quân sự Hoàng Phố và khóa tình báo Mỹ tại Côn Minh, Trung Quốc thuở cùng phe Đồng minh kháng phát xít Nhật.
Ông Hoàng Giáp kể có những buổi chiều ở Sơn Tây, ông và Tạ Đình Đề đã “thử tài” võ nghệ của nhau. Hoàng Giáp cùng với Nguyễn Khải, Hoàng Tường Chi, Ngô Văn Lan là các cao đồ chân truyền khóa vovinam đầu tiên của tổ sư Nguyễn Lộc hồi còn ở Hà Nội. Ban đầu, chưa rõ Tạ Đình Đề tập luyện môn võ thuật nào.
Nhưng khi ông ra đòn, mọi người mới biết rất điêu luyện kỹ thuật võ judo, đặc biệt là các đòn thế cực hiểm của môn cận chiến jujitsu, Nhật Bản.
Đề kín tiếng, không hé lộ ông học võ khi nào, ở đâu, nhưng các chiến hữu nghĩ có lẽ ông đã học từ hồi còn làm công nhân hỏa xa cung đường máu lửa Hà Nội – Vân Nam và tại các lớp tình báo, quân sự. Vóc dáng thấp nhỏ, Tạ Đình Đề tập luyện môn này cũng rất phù hợp với ông.
Trong nhiều chuyện kể như giai thoại về Tạ Đình Đề và đội biệt động xuất quỷ nhập thần, có những việc chưa kiểm chứng được, nhưng cũng có những chuyện người trong cuộc đã xác thực.
Những ngày còn minh mẫn, nhà tình báo cao tuổi Ba Đăng (tức Nguyễn Văn Đăng, bí danh Lê Kim) kể khi hoạt động ở nội thành Hà Nội được cài cắm vào làm việc trong chính nhà viên quan năm Buznizgou tại phố Phan Đình Phùng.
Đây là sĩ quan cấp cao quân đội Pháp có nhiệm vụ rất quan trọng trong việc cung cấp quân trang, quân nhu và mọi thứ cần thiết cho các cuộc hành quân của Pháp ở Đông Dương.
Thời gian này, ông Đăng cũng thường xuyên liên lạc với Tạ Đình Đề, cung cấp những tin tức tình báo quan trọng để đội biệt động có thể ra tay chính xác và hiệu quả.
Một mình một ngựa
Hồi tưởng với tôi chuyện đã qua nhiều năm, ông Ba Đăng vẫn xúc động nhớ bạn: “Tính Đề xông xáo, coi thường hiểm nguy. Bị mật thám Phòng nhì Pháp treo giá săn đầu đến 5 vạn bạc Đông Dương mà vẫn thường xuyên ra vào nội thành như đi chợ”.
Ông Ba Đăng kể Tạ Đình Đề có bí danh Lâm Giang, nhưng nhân dân và cảnh sát, mật thám trong vùng Pháp tạm chiếm vẫn thường gọi là “ông Râu”, cái tên vừa hiểu theo nghĩa đen Tạ Đình Đề có bộ râu mép rất rậm vừa được hiểu nghĩa con người kiêu bạt, ngang tàng, coi thường sinh tử.
Có lần Tạ Đình Đề lọt vào nội thành, đến tận phòng nhảy sĩ quan để nắm bắt thông tin quân sự ngay nơi các sĩ quan cao cấp quân đội Pháp thường xuyên lui tới. Ông ra cả sàn nhảy lả lướt mấy điệu tango, rumba để điều nghiên cách đánh lựu đạn…
Mật thám phát hiện. Một cuộc truy đuổi dữ dội với rất đông mật thám, cảnh sát, binh lính đã diễn ra ngay giữa thành phố Hà Nội. Thế nhưng, Tạ Đình Đề hai tay hai súng vẫn thoát được.
Sau lần vượt hiểm ngoạn mục này, tên tuổi ông lại càng nổi lên như cồn. Quân Pháp có gắng vớt vát bằng cách tung tin đội biệt động của ông là “những kẻ khủng bố, chuyên bắt cóc, tống tiền”. Trong khi, thực chất họ rất ngại phải đối mặt trực tiếp với đội quân này. Ngoài những kẻ xấu buộc phải ra tay trừng trị, đội biệt động còn dán tờ cảnh cáo có chữ ký Tạ Đình Đề trước cửa nhà các Việt gian.
Sự ngang tàng, kiêu hùng của Tạ Đình Đề được nhà tình báo Ba Đăng xác nhận có lần ông vào tận nhà viên quan năm Burnizgou để thu thập thông tin và để ngủ. Nhà viên sĩ quan cao cấp này lúc nào cũng có dày đặc lính tây, lính ta bảo vệ, nhưng Đề vẫn bình thản giả dạng người sửa điện nước để lọt vào.
Ba Đăng ở bên trong cung cấp rất nhiều thông tin quý giá cho Tạ Đình Đề và lo cả… chỗ ăn, ngủ mà quân Pháp không hề hay biết. Chính Tạ Đình Đề đã nói với chiến hữu biệt động: “Nơi nào nguy hiểm nhất chính là chỗ an toàn nhất”.
Ở chiến khu, Tạ Đình Đề nổi tiếng nghĩa hiệp với anh em. Ông đối xử chiến sĩ dưới quyền nhiều lúc như anh em hảo hán. Hoạt động tình báo, ông có tửu lượng rất tốt nhưng không thích uống, cứ có chai nào là cho hết anh em.
Tư trang của ông cũng chẳng có gì ngoài hai bộ quần áo, hai khẩu súng ngắn, con ngựa và chiếc xe đạp. Gặp anh em nào rách rưới quá, ông cho luôn bộ quần áo ngoài thân. Rồi gặp ai nhiều đồ, ông lại… đi xin.
Tạ Đình Đề cưỡi ngựa rất giỏi. Cấp tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn biệt động và phó ban tình báo, ông được quyền sử dụng cận vệ, nhưng vẫn thường một mình một ngựa rong ruổi khắp chiến khu…
Ông Ba Đăng có lần hỏi sao ông không mang theo cận vệ? Tạ Đình Đề cười khà khà trả lời hồi trước bảo vệ Bác Hồ với các lãnh đạo trung ương, bây giờ lại có người bảo vệ mình, coi kỳ quá. Với lại, biệt động mà dắt díu bầu đoàn thì lộ hết.
********************
Bắn hạ mật thám Pháp, thanh trừng Việt gian, đánh phá đường quân xa Hải Phòng – Hà Nội, đội biệt động Tạ Đình Đề đã gieo rắc nỗi kinh hoàng ngay trong lòng đối phương.
Quốc Việt
(Nguồn Báo Tuổi trẻ)
https://tuoitre.vn/giai-ma-huyen-thoai-ta-dinh-de-ky-3-tay-sung-kieu-hung-20240416095410393.htm
>> Kỳ tới: Lệnh tiêu diệt