Nhà giáo Tạ Xuân Tề là một trong số ít những người thuộc ngành GD&ĐT và là người duy nhất trong khoảng 40 trường của Bộ Công nghiệp được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (năm 2005). Nay đã nghỉ hưu, ông lại đau đáu với sự nghiệp trồng người trên quê hương….
Tôi gặp nhà giáo, Anh hùng lao động, Tiến sỹ Tạ Xuân Tề nhân dịp đầu năm học 2022-2023, khi ông về thăm, tặng quà là 50 bộ bàn ghế cho Trường Mầm non Minh Tân (Hưng Hà). Ngôi trường do chính ông bỏ tiền ra xây tặng cách đây hơn chục năm (2007), (Cùng thời điểm ông bỏ tiền tài trợ cho xã Minh Tân 3km đường làng và xây dựng khu nhà tiếp linh trị giá hàng chục tỷ đồng tặng quê hương). Trước đó, tháng 8/2021, khi về thăm trường, ông cũng đã bỏ ra 150 triệu để sơn sửa lại toàn bộ khuôn viên ngôi trường và tặng bộ đồ chơi ngoài trời trị giá 49 triệu. Được trao đổi, trò chuyện về cuộc đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục của ông từ khi còn công tác đến khi đã nghỉ hưu, mới thấy được sự nhiệt tâm của một nhà giáo với sự nghiệp giáo dục.
Sinh ra và lớn lên tại làng Diêm (xã Minh Tân- Hưng Hà). Một vùng quê hiếu học, giàu truyền thống cách mạng. Khi đang học tại Trường Công nhân Kỹ thuật I – Hà Bắc thuộc Bộ Cơ khí và Luyện kim vào tháng 02/1969, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tuy đang học nghề, ông đã lên đường tham gia chống Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tháng 4/1976, ông chuyển ngành về công tác tại Trường Công nhân Kỹ thuật 4 (CNKT4) – Bộ Cơ khí và Luyện kim, nay là Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM thuộc Bộ Công nghiệp.
Suốt những năm công tác tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (Trường có 5 cơ sở Đào tạo: TP.HCM, Đồng Nai, Thái Bình, Quảng Ngãi và Thanh Hóa) , ông đã kinh qua các công tác như: Cán bộ thi đua chuyên trách; làm Trưởng Ban đời sống; Chánh văn phòng và đến tháng 3/1991 giữ chức Phó hiệu trưởng Trường CNKT4. Ông còn được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn Trường từ tháng 02/1980 đến tháng 5/1991. Đến tháng 4/1996, TS Tạ Xuân Tề đã vinh dự được Bộ Công nghiệp tin tưởng giao phó chức vụ hiệu trưởng. Từ đó, đã mở ra một bước ngoặt lớn cho cả Trường ĐH Công nghiệp lẫn bản thân TS Tạ Xuân Tề. Suốt nhiều năm qua, tỷ lệ sinh viên ra trường của Đại học Công nghiệp có việc làm đạt trên 95%. Đó là một con số mà nhiều địa chỉ đào tạo nhân lực đang mơ ước nhưng để đạt được cần có một hướng đi đúng và cần rất nhiều nỗ lực, sáng tạo. Bản thân ông, từ một sỹ quan quân đội, một nhà giáo, TS Tạ Xuân Tề không chỉ được biết đến với vai trò là một người thầy, một “doanh nhân” thành công trong lĩnh vực kinh tế tri thức mà còn được xem là một người tâm huyết hết mình với sự nghiệp trồng người. Ông đã vinh dự được nhà nước trao tặng 4 huân chương, 3 huy chương, 7 bằng khen các loại và nhiều danh hiệu như: Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc nhiều năm liền…Năm 2005, ông là nhà giáo duy nhất được phong tặng danh hiệu: “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”
Trao đổi với người viết bài, ông Tề cho hay, khi còn làm hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp, ông luôn tâm niệm: “Tay nghề, năng lực của sinh viên sau khi ra trường có đáp ứng được nhu cầu công việc tại các doanh nghiệp hay không” là một điều ông luôn trăn trở và không ngừng nỗ lực vì điều đó. Do đó, việc nhà trường gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn của xã hội và doanh nghiệp. Đến từng doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu, đối thoại với doanh nghiệp để tìm hiểu tiêu chuẩn tuyển dụng của doanh nghiệp, liên kết đào tạo với doanh nghiệp, tổ chức các diễn đàn về cơ hội thực tập và cơ hội nghề nghiệp để sinh viên và doanh nghiệp gặp nhau… là những hoạt động thường xuyên diễn ra tại trường đại học này.
“Nếu chỉ đào tạo để cấp bằng cho sinh viên thì là việc bình thường. Điều cần phải làm bằng được chính là tạo được việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Vì thế, chất lượng đào tạo được đặt lên vị trí số 1 trong suốt quá trình phát triển của trường”. Do đó, ông Tề cũng chỉ đạo tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm với doanh nghiệp trong và ngoài nước về vấn đề đào tạo và sử dụng nhân lực. Kết quả là nhiều sinh viên khi được đưa về thực tập tại các doanh nghiệp đã chứng tỏ được năng lực vượt trội của mình và được “đặt chỗ” trước sau khi ra trường. Nhiều doanh nghiệp đã tìm đến tận trường để “đặt hàng” ngay từ khi sinh viên chưa tốt nghiệp.
Về hệ thống quản lý, ngay từ năm 1998, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM đã đầu tư hệ thống phần mềm quản lý tin học với 35 modul để quản lý khép kín từ khâu tuyển sinh đến đào tạo, lập thời khoá biểu, đăng ký học phần đến quản lý sinh viên, ký túc xá, thư viện, thi cử, bảng điểm, khen thưởng, kỷ luật… Do đó, chất lượng giáo dục – đào tạo của Trường hoàn toàn được đảm bảo
Suốt thời gian đó. Đối với hơn 2.000 CB, GV Trường ĐH Công nghiệp, ông là tấm gương mẫu mực về đạo làm thầy và là một “ông chủ” rất quan tâm đến đời sống của nhân viên. Đối với hơn 100 ngàn sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo của trường, ông là một người thầy nghiêm khắc nhưng cũng thật đáng kính và thương học trò. Đối với xã hội, ông là một nhà giáo, một doanh nhân có cách làm sáng tạo, thiết thực trong phương pháp đào tạo sinh viên, tổ chức hoạt động của trường, từ đó đã cung ứng cho xã hội một nguồn nhân lực chất lượng cao.
Những năm qua, uy tín của Trường Đại học Công nghiệp cứ ngày một lan tỏa và niềm tin của xã hội vào một mô hình đào tạo hiện đại, thiết thực. Nhiều hợp đồng liên kết đào tạo với các trường đại học nước ngoài cũng đã được ký kết. Nhiều lượt sinh viên Đại học Công nghiệp đã được gửi đi đào tạo giai đoạn II ở Mỹ, Anh, Malaysia, Singapore, Đài Loan và nhận bằng tốt nghiệp do trường bạn cấp… Sau tất cả những dòng chảy sự kiện đó, chất lượng sinh viên đã được nâng cao lên rất nhiều. Chia sẻ về vấn đề này, ông Tề, bộc bạch: “Chúng tôi coi quá trình đào tạo là quan trọng hơn cả. Mỗi con người đều có một tiềm năng. Một khi tiềm năng ấy được phát hiện, chú ý và khích lệ thì con người sẽ phát triển rất tốt. Và nghiên cứu khoa học là một cách để mỗi sinh viên và cả giáo viên của trường bộc lộ và phát huy tiềm năng ấy”. Vậy là, nghiên cứu khoa học đã được xem là một trong những phương pháp chính yếu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của trường Đại học Công nghiệp và chính bản thân ông – TS Tạ Xuân Tề là người đi đầu trong việc khởi xướng và thổi tinh thần say mê nghiên cứu khoa học vào khát vọng lập thân, lập nghiệp của từng giảng viên, sinh viên. Những nỗ lực phấn đấu đó đã đưa Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, khi ông làm hiệu trưởng trở thành một trong những cơ sở đào tạo nghề lớn nhất Việt Nam từ dạy nghề đến đại học và sau đại học. Các cơ sở của Trường đã được chuẩn hoá về xây dựng, trang thiết bị, hệ thống trường học , ngoài ra còn có hệ thống: Nhà ăn, siêu thị, ngân hàng và bưu điện… Đội ngũ giáo viên có 2.000 người, hơn 60% giáo viên trong Trường đạt trình độ trên đại học, với trên 100 tiến sĩ và nghiên cứu sinh, hơn 600 thạc sĩ và cao học, có thể đảm nhận tốt việc nâng cao chất lượng đào tạo ở tất cả các ngành học và bậc học và đã trở thành trường đại học đạt chất lượng đẳng cấp quốc tế”.
Từ khi nghỉ hưu (2011), ông vẫn như con tằm tiếp tục nhả tơ để cống hiến cho xã hội, đặc biệt là luôn tận tâm và sống có trách nhiệm với sự nghiệp giáo dục của quê hương. Khi thấy cơ sở vật chất của trường Mầm non Minh Tân còn thiểu thốn, ông đã hiến đất, rồi bỏ tiền xây tài trợ cho nhà trường thêm một khu trường mới, có đầy đủ trang thiết bị dạy học. Đó chính là ngôi trường mà người viết bài bắt gặp ông về tặng thêm bàn ghế và trang thiết bị dạy học ngày hôm nay.
Cô giáo Nguyễn Thúy Điều, nguyên hiệu trưởng trường mầm non Minh Tân (từ 2006 đến 2019) xúc động trao đổi: Đối với chúng tôi, bác Tề là người luôn quan tâm đến nhà trường và các cháu, năm đó (2007) khi bác về thăm quê hương, thấy nhà trường dột nát, cơ sở vật chất nghèo nàn, bác đã tự bỏ tiền xây trường tặng quê hương. Mùa đông tới, bác lắp cửa kính chắn gió, mua sắm chăn màn đầy đủ cho các cháu…. Và chúng tôi rất tâm đắc với ý tưởng xây dựng nền giáo dục từ khi các cháu còn là lứa tuổi mầm non, mong cho các cháu được tiếp cận những trang thiết bị dạy học tiên tiến như: Ngay từ năm 2009, bác đã đầu tư gần 100 triệu mua bảng tương tác thông minh tặng nhà trường, và tự lái xe đưa 5 cô giáo lên Hà Nội học cách sử dụng, bác cũng đầu tư hệ thống đu quay bằng điện, xây nhà chòi che mưa trị giá gần 40 triệu đồng cho các cháu vui chơi….Sâu thẳm trong lòng chúng tôi, bác Tề luôn như một người cha, người ông, người thầy …người hết lòng với sự nghiệp trồng người trên quê hương.
Ông Tạ Duy Diên, nguyên bí thư chi bộ thôn Quang Trung cho biết thêm: Ông Tề là một người thành đạt, rất quan tâm đến cơ sở vật chất của quê hương, ngay từ những năm 2000, ông đã đầu tư làm hơn 2km đường bê tông cho cả làng, xây dựng khu nghĩa trang, nhà tiếp linh một cách khoa học trị giá nhiều tỉ đông… đặc biệt là quan tâm chăm lo đến sự nghiệp giáo dục của quê hương, hàng năm, ông đều có phần thưởng cho các thầy cô giáo là giáo viên dạy giỏi, các cháu học sinh giỏi các cấp học, cũng như các cháu đỗ đại học trên địa bàn toàn xã… những việc làm thiết thực của ông với quê hương, với sự nghiệp giáo dục không phải ai là người thành đạt xã quê hương cũng làm được…. chúng tôi rất cảm động và cám ơn ông…
Cả một cuộc đời phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục, từ khi còn công tác cũng như khi đã nghỉ hưu, ngoài việc góp phần đưa hệ thống trường Đại học Công Nghiệp TP HCM lên một tầm cao, đẳng cấp quốc tế… Ông cũng luôn quan tâm, luôn trăn trở với những khó khăn của ngành giáo dục quê hương…. Như lời ông tâm sự: Muốn đào tạo con người thành đạt, thì phải quan tâm giáo dục từ tuổi thơ… cần có những trang thiết bị dạy học tiên tiến nhất, cần cho các cháu tiếp cận với khoa học kỹ thuật từ nhỏ, có phần thưởng kịp thời cho các cháu học sinh giỏi, hy vọng các cháu học sinh nông thôn đỡ thiệt thòi hơn so với các cháu thành phố,góp phần đưa giáo dục quê hương lên một tầm cao mới./.
Tạ Xuân Sinh – Hưng Hà