Nhị vị Đại vương – Tạ Thông và Đề Nương triều Trưng  (40-43 SCN )

NGƯỢC DÒNG LỊCH SỬ

Theo cổ lục thần tích thôn Đa Tiện ngày nay thì cách đây trên 2000 năm là Trang Đa Cúc .Trong Trang Đa Cúc ấy có hai vợ chồng ông bà Tạ Thai và Đào Thị Nhàn làm nghề bốc thuốc cứu dân, giúp đỡ người nghèo,…vợ chồng ông đều một niềm ăn ở phúc đức,nhưng tuổi đã cao mà hiếm muộn con. Một hôm bà Đào Thị Nhàn nằm mơ nuốt một viên ngọc trắng ,tỉnh ra mới biết mình chiêm bao . Bà liền đem chuyện kể với ông.Ông nói rằng,ắt có điềm lành .Từ khi ấy bà thấy trong mình có thai; vào ngày mùng 10 tháng 3 năm Giáp Dần bà sinh được một người con trai, đặt tên là Tạ Thông. Ngài Tạ Thông tướng mạo rất khác thường, sớm hiểu biết lễ nghĩa, học thông võ thạo . Năm lên 07 tuổi thì ngài đi học, năm 15 tuổi văn võ toàn tài.Năm 17 tuổi,ngài được cha mẹ se duyên với con cụ Quyền Công ở Trang Bình bộ xứ Hồng Châu Hải Dương ( ngày nay ) tên là Mộc Đề Nương. Năm 20 tuổi cha mẹ ngài mất,hai vợ chồng ngài chọn đất tốt an táng, được 3 năm đoạn tang . Những năm đầu của Công Nguyên nhà Hán đô hộ nước ta, chúng ra sức vơ vét của cải, bóc lột …làm cho dân ta đói khổ lầm than …hai vợ chồng ngài Tạ Thông và Đề Nương tụ nghĩa chiêu binh dẫn dắt con dân Trang Đa Cúc làm ăn phát đạt, chuyển tên Trang Đa Cúc thành Đa Lợi. Nhân dân xin với vợ chồng ngài là khi ngài sống thì theo ngài, khi ngài mất thì tôn thờ hai vợ chồng ngài là Thành Hoàng Làng .

Bằng xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa

Bấy giờ khoảng năm 39,40 của thế kỷ đầu sau Công Nguyên, ở đất Mê Linh-có hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa,kêu gọi hào kiệt bốn phương, nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm . Hai vợ chồng ngài Tạ Thông và Đề Nương đã tập hợp nghĩa quân. Ngài Tạ Thông đã chiêu binh được 1000 nghĩa binh, bà Đề Nương được 2000 nghĩa binh . Hai vợ chồng ngài dẫn quân đến thẳng đồn hai bà Trưng ứng tuyển . Bà Trưng nữ trông thấy ông Thông văn võ toàn tài bèn phong lên làm quan chỉ huy sứ -Thượng Tướng Quân, trông thấy bà Đề Nương cũng có hùng tài bèn phong bà là Tả Tướng Quân. Trong ngày xuất quân, “cờ xí dậy đất, chiêng trống vang trời, tướng Nam lẫm liệt, tướng Nữ lạnh lùng “,nghĩa quân khí thế sôi sục với lời thế cùng Trưng-Nữ .

“Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng Chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lệnh này “

Cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng cùng nghĩa quân của ông bà Tạ Thông và Đề Nương được nhân dân khắp nơi ủng hộ, hưởng ứng, tạo thành sức mạnh như vũ bão.Nghĩa quân của ông bà cùng cánh quân của hai bà Trưng đi đến đâu chính quyền và quân đội Tô Định-nhà Hán tan rã, chạy trốn, bắt được tướng giặc. Chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân đã thu lại 65 huyện, thành,là toàn bộ nước Việt hồi đó ;Tô Định phải bỏ chạy về nước,chấm dứt ách đô hộ hà khắc của nhà Đông Hán .

Sau khi khởi nghĩa thắng lợi,đất nước được giải phóng, bà Trưng Trắc được tướng sĩ và nhân dân suy tôn lên làm vua,lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, định đô tại Mê Linh. Vua Trưng Vương cho vợ chồng ngài được hưởng thực ấp, ăn lộc ở huyện Siêu-Loại xứ Kinh Bắc . Được 3 năm đất nước thái bình, giang sơn thu về một mối, nhân dân cả nước lại được sống một cuộc sống sung túc, ấm no,hạnh phúc …trong đó có quê hương của ông bà Tạ Thông và Đề Nương sinh sống(thôn Đa Lợi). Với dã tâm không bao giờ từ bỏ xâm lược của nhà Hán, tháng 04 năm 42, Nhà Hán sai Mã Viện sang đánh chiếm lại nước ta. Thế giặc mạnh, quân đông cộng với tên tướng giặc dày dạn kinh nghiệm trận mạc và xảo quyệt. Vua tôi-quân của hai bà Trưng chống không nổi,hai Bà chạy về cửa sông Hát Môn nơi tụ binh lúc khởi nghĩa lúc đầu đồng thời là quê hương của chồng là Châu Diên để gieo mình xuống sông lớn mà tuẫn tiết không để giặc bắt, giữ khí tiết của vị Nữ Vương anh hùng vào năm 43 SCN.Chủ tướng mất,nhưng nhiều nơi trong nước vẫn còn tiếp tục chiến đấu với quân Đông Hán,trong đó có quân của hai vợ chồng ngài Tạ Thông rút quân về trang Đa Lợitại quê nhà . Quân Hán bao vây làng, thành lũy. Đứng trước tình hình đó, ông bà vẫn điềm tĩnh, kêu gọi các binh sĩ và nhân dân Trang Đa-Lợi đem hết lòng trung thành với chủ Tướng và Tổ Quốc chống quân Hán đến cùng, phá vỡ được vòng vây, cuối cùng hai vợ chồng ngài hóa tại Gò Đống thuộc Trang nhà nhằm ngày 15 tháng 02. Khoảng một lát sau có đàn sâu đất đội đất đùn lên thành ngôi mộ lớn, nhân dân trông thấy cả sợ, lập miếu thờ và tôn hai vợ chồng ngài là thần Hoàng Làng .

Bàn thờ hậu cung thờ các Ngài

Từ đó về sau ngài luôn có âm phù cho các Triều Đại chống giặc ngoại xâm như :
-Vua Đinh Tiên Hoàng trước đây dẹp lọan 12 Sứ Quân có đóng quân gần đó và bị bao vây . Nhà vua cũng đi cúng thần và giải được vòng vây . Từ khi ấy trở đi, vua Đinh Tiên Hoàng bèn lấy làm lệ thường cứ đúng ngày, tháng đến làm lễ cúng và sắc phong hiệu thần nguyên chữ .
“Nhất phong Thông-Công : Quảng ứng Đại Vương
Nhất phong Đề -Nương : Tuyên nhân Công Chúa “

-Thời đại vua Trần Thái Tông giặc nhà Nguyên-Mông xâm lấn chốn kinh thành bị vây hãm . Đại Vương Trần Quốc Tuấn vâng lệnh vua đi cầu khấn bách thần ở mọi nơi, có đến cầu: Một vị Đại Vương, một vị Công Chúa. Ngài cũng có rõ rệt báo ứng,âm phù giúp đỡ . Đến khi nhà Trần bình được thiên hạ vuaTrần Thái Tông bèn gia phong cho bách thần, trong đó có gia phong Mỹ Tự riêng cho hai Ngài :
“Linh ứng anh triết hiểu hựu trợ thuận Đại Vương
Huệ hòa gia hạnhnhư ý đoan trang Công Chúa
Chuẩn cho trang Đa-Lợi thờ cúng “

-Thời vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa, có đi cầu khẩn bách thần, có đến đền 2 cụ cầu khẩn . Sau khi chém được tướng giặc Liễu Thăng, đất nước non sông thu về một mối . Sau đó nhà vua Lê Lợi lên ngôi năm 1428 có phong mỹ tự cho bách thần, trong đó có tặng phong cho hai vị là :
” Phổ tế cương nghị anh linh “, sắc chỉ ban cho trang Đa-lợi sửa lại Miếu để thờ cúng lâu dài và đổi tên Đa-Lợi thành Đa-Tiện.
 Một điều lệ :vâng mở các tiệc “ngày sinh, ngày hóa cùng với chữ húy,thiết cấm ( hai chữ Thông, Đề ) chuẩn cho trang Đa-Lợi thờ cúng” .
Một điều lệ :tiệc chính vào ngày mồng 10 tháng 03 là ngày thần sinh,lễ dùng gồm toàn cỗ chay quả phẩm và các mầu sắc bánh trái đủ dùng, hát xướng ba ngày mới thôi.
Một điều lệ: tiệc chính vào ngày 15 tháng 02 là ngày thần hóa. Lễ dùng như trâu,còn như hát xướng thì đều cấm hết tất cả.
Một điều lệ:tiệc kỳ phúc,khánh hạ vào ngày 20 tháng 08 lễ dùng tùy ý,nhưng hát xướng thì phải đầy đủ. Đình làng được làm kiên cố từ đấy.

-Ngoài Lê Thái Tổ sắc phong đời nhà Lê còn có :
+Dương Đức (tức đời Lê Gia Tông ) năm thứ 3 ngày 29 tháng 07 năm 1673
+Cảnh Hưng (Đời vua Lê Hiến Tông ) năm thứ 28 ngày 08 tháng 8 năm 1768
+Vẫn đời vua Lê Hiến Tông (tức Cảnh Hưng ) năm thứ 44 ngày 26 tháng 7 năm 1781 ) phong lần thứ 2
+Đời vua Lê Vẫn Đế ( tức Lê Chiêu Thống ) nguyên niên 1787 ngày 22 tháng 3 đều ca ngợi công đức và sự hiển linh của hai vị thần hoàng làng gia phong mỹ tự có các tiết chính :
-Ngày sinh :  Thánh bà 11 tháng giêng- âm lịch
-Ngày sinh :  Thánh ông 10 tháng 3 âm lịch
-Ngày hóa  :  ngày 15 tháng 2 âm lịch
Tiệc kỳ phúc (Khánh Hạ -20 tháng 8 âm lịch )

Cỗ toàn dùng đồ chay, hoa quả, phẩm và các màu sắc, bánh trái, hát sướng tùy ý, riêng ngày hóa ngày 15 tháng 2 không được hát tuyệt cấm tên Húy nhà (Thông, Đề )
Đến đời nhà Nguyễn từ Gia Long, Minh Mạng,Khải Định đều phong sắc cho hai vị thần hoàng làng có tới 4 đạo sắc phong của nhà Nguyễn đều phong : “ Thông Công Đại Vương. Đề Nương Công Chúa ”

Sắc phong của các triều đại phong kiến

Như vậy Thần hoàng làng có 11 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến ghi nhận công đức của nhà ngài. Nhân dân Đa Tiện đời này qua đời khác từ thủa sơ khai đến giờ luôn ngưỡng mộ tôn kính thần Hoàng Làng.Bởi vậy trên hoành phi đề :” Thánh cung vạn tuế”, vì Thần Hoàng là người có công với nước.  Đình làng lại được xây dựng lâu đời có quy mô nên ngày 08/02/2002 đã được Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Bắc Ninh công nhận là di tích lịch sử văn hóa Đình Làng .
Phải khẳng định rằng Đa Tiện có bề dày lịch sử, có truyền thống tốt đẹp. Người Đa Tiện cần cù, sáng tạo, thông minh, hay lam hay làm, sống chan hòa cởi mở, thương yêu giúp đỡ nhau có nếp sống văn hóa mà Đình Làng là nơi quy tụ . Thời nào cũng có danh nhân :
+Thế kỷ thứ 13 năm 1273-1283 có cụ Nguyễn Hữu Hòa làm đến chức Minh Thái Tổng đốc cảnh hưu,đề Thái Sứ Đại Nghị Tể Tướng .
+Tháng 5 năm 21 Thái nguyên có cụ Nguyễn Đình Khuyến làm đến chức Bố chính sự nguyên, Hàn Lâm giám sát .
+Có cụ Đinh Dương Thịnh làm Khâm sai tại triều, Hữu công pháp chuẩn, Tổng cửa phẩm . Tư liệu vẫn còn lưu giữ tại nhà cụ Nguyễn Ngọc Khải .

Đặc biệt là 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ Tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đa Tiện đã có những nhân tố cách mạng đầu tiên .Trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc đã có hàng trăm, hàng ngàn người xin ra chiến trường .Ở hậu phương các lực lượng dân quân, du kích, được thành lập để bảo vệ làng xóm . Các tổ chức chính trị được kiện toàn đã tạo thành sức mạnh tổng hợp cùng với quân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc đến thắng lợi cuối cùng . Non sông thu về một mối, Bắc Nam xum họp một nhà. Đó chẳng phải Thần Hoàng làngTạ Thông và Đề Nương luôn luôn phù hộ cho dân làng cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng vĩ đại của thế kỷ XX ? Điều đó đã được chứng minh xuyên suốt quá trình lịch sử cho tới tận ngày nay .

Theo anh Đặng Đình Tuấn (Trưởng thôn-Bí thư chi bộ) làng Đa Tiện cho biết : theo số liệu thống kê hiện nay (năm 2021) thì làng có trên 1622 nhân khẩu, 428 hộ, trong đó có 5 người có học vị tiến sĩ,28 người có trình độ thạc sĩ,trên 238 người có trình độ đại học và 122 cao đẳng, nghề truyền thống là nghề sản xuất dây chun,nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã hình thành, kinh tế phát triển, nhà cửa khang trang…đời sống về tinh thần và vật chất của nhân dân thôn Đa Tiện ngày càng phát triển, khấm khá,…xứng đáng là thôn đạt nhiều danh hiệu “nhất” trong xã Xuân Lâm-huyện Thuận Thành-tỉnhBắc Ninh. Năm 2002 Đình làng được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp bằng di tích lịch sử văn hóa .

Hàng năm lấy ngày mùng 10 tháng 03 ngày sinh nhà thánh . Dân làng mở hội để ghi nhớ công đức của nhà ngài đã có công cùng hai Bà Trưng dựng làng , giữ nước từ thủa sơ khai .

Đó cũng là truyền thống, là niềm tự hào,là niềm tin và động lực thúc đẩy con dân trong làng từ đời này qua đời khác. Phát huy, giữ gìn, cống hiến,ngày càng nhiều cho quê hương đất nước.

LỄ HỘI RƯỚC KIỆUTRUYỀN THỐNG MÙNG 10 THÁNG 03

Lễ hội truyền thống ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và tướng quân Tạ Thông-Đề Nương nói riêng tuy chỉ đưa nền độc lập cho đất nước trong gần 3 năm, nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, còn lưu mãi sử xanh . Đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ách thống trị của ngoại bang của nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc ta . Quân xâm lược có thể đánh bại quân của ngài Tạ Thông và Đề Nương, nhưng tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của nhân dân cả nước nói chung và dân làng nói riêng không bao giờ dập tắt. Đó còn là tính hy sinh cao cả,lòng trung thành, thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu làm nô lệ,mất nước . Tướng quân Tạ Thông và Đề Nương đã chiến đấu hy sinh đến hơi thở cuối cùng để cho đất nước ngày càng tươi đẹp và đã tô thắm thêm trang sử vàng của họ Tạ nói riêng và lịch sử dân tộc Việt Nam . Những người con họ Tạ chúng ta và dân làng thôn Đa Tiện đời đời ghi nhớ công ơn và mãi mãi tự hào về hai vị danh tướng họ Tạ anh hùng !

Tạ Ngọc Nam BLSHTVN sưu tầm và biên soạn theo tài liệu thần tích còn lưu trữ tại thôn Đa Tiện ngày 1/5/2021.
P/S : rất mong được sự đóng góp ý kiến của bà con họ Tạ cả nước để BLSHTVN ngày càng hoàn thiện. Thư gửi về địa chỉ email : banlichsuhotavietnam@gmail.com

Enter your keyword