Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân  Đại tá – Thầy thuốc Ưu tú – BS Tạ Lưu

Bác sĩ Tạ Lưu sinh năm 1931, quê ở xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, một vùng đất giàu lòng yêu nước và truyền thống văn hóa lịch sử. Năm 1947, khi mới 16 tuổi, ông được cử đi học lớp y tá để phục vụ quân đội, sau đó tham gia vào chiến dịch Trung Lào. Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ông được cử về Khoa phẫu thuật, Viện Quân y 108. Với kiến thức tích lũy được trong những năm tháng cứu chữa thương bệnh binh ở chiến trường, ông là một trong những y tá ngoại khoa giỏi của phòng mổ Viện 108. Năm 1962, ông được tuyển chọn về học lớp bác sĩ tại Học viện Quân y để phục vụ cho yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ đang trong giai đoạn ác liệt. Với ý thức càng tinh thông nghề nghiệp thì càng giúp được nhiều cho thương bệnh binh nên ông luôn tích cực học hỏi, nghiên cứu để nâng cao tay nghề.

Đại tá – Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân -Thầy thuốc Ưu tú – Bác sĩ Tạ Lưu

QUÂN Y NƠI TUYẾN LỬA ĐẦU TRƯỜNG SƠN

Cuối năm 1965, sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y, trở thành bác sĩ, ông được bổ nhiệm làm đội phó Đội điều trị 14 phục vụ tuyến đường khói lửa Trường Sơn.Đội điều trị 14 (Binh trạm 12, Đoàn 559) thành lập ngày 14-3-1966. Đội đóng trong một thung lũng hẹp, tương đối gần đường chiến lược 15, cách xã Hóa Tiến, Tuyên Hóa, Quảng Bình, chừng 3km đường chim bay. Thời gian đầu, Đội điều trị 14 có trên 100 cán bộ, nhân viên; trong đó có 4 bác sĩ, 10 y sĩ, 2 dược sĩ, hơn một chục y tá, dược tá, hộ lý. Tuy là đội điều trị nhưng thực tế Đội làm nhiệm vụ như một bệnh viện khu vực. Nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền bắc, không quân Mỹ đánh phá vô cùng ác liệt nơi này suốt ngày đêm với mưu đồ “chặt đứt cuống họng” của miền nam trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, bằng đủ loại vũ khí hiện đại nhất lúc bấy giờ. Ðội điều trị 14 nhận nhiệm vụ cấp cứu, điều trị thương binh, bệnh binh tại các cửa khẩu trên đường chiến lược 12 và 15.  Bình thường Đội chỉ nhận khoảng 150-200 thương – bệnh binh; nhưng có thời kỳ cao điểm địch đánh ác liệt, tắc đường, thương – bệnh binh ùn lại, số lượng phải nhận lên đến 400-500 người. Ngày 15-7-1966, địch bắt đầu ném bom trọng điểm Cua chữ A. Ðây cũng là trọng điểm chịu bom B-52 đầu tiên trên tuyến: Trong vòng sáu tháng liền, địch đã sử dụng cường kích đánh hơn 2.700 lần và máy bay B-52 đánh hơn 270 lần, ném hơn hai vạn quả bom các loại. Có ngày địch đã dùng tới 114 lần chiếc cường kích và 18 lần chiếc B-52. Những quả đồi A mẹ, A con bị bom đạn cày đi, xới lại, bạt thấp hẳn đi, biến cảnh tượng nơi đây giống như hoang mạc.

Máy bay Mỹ bắn phá ác liệt suốt ngày đêm trên đường Trường Sơn

Bốn năm ở chiến trường, bác sĩ Tạ Lưu phụ trách Đội phẫu thuật trụ ở các trọng điểm địch đánh phá rất ác liệt trên đường chiến lược 15 (Đá Đẽo, Gát, Chóc, phà Xuân Sơn); đường chiến lược 12 (Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh, Cổng Trời); Lùm Bùm, Na Tông  Siêng Phan trên đất bạn Lào. Dù ở bất cứ đâu, Bác sĩ Tạ Lưu luôn nêu cao tinh thần phục vụ thương bệnh binh, bất kể ngày đêm, lúc nào có thương binh là cứu chữa, có yêu cầu cấp cứu thương binh là xung phong. Trong nhiều tháng, ngày nào cũng có ca cần mổ, có đợt 5, 6 ngày liền mỗi ngày ông đứng mổ hơn 10 tiếng đồng hồ. Nhiều đêm không được ngủ, ông vẫn tận tình cứu chữa thương binh, quyết giành lại cuộc sống cho đồng đội. Bác sĩ Tạ Lưu đã giải quyết nhiều ca mổ phức tạp, trong đó có nhiều vết thương hiểm nghèo do bom đạn giặc Mỹ gây ra. Ở chiến trường trang bị thiếu thốn, ông đã nghiên cứu vận dụng sáng tạo kỹ thuật gây mê nội khí quản, truyền tĩnh mạch ngược chiều, truyền máu trực tiếp khi không có dung dịch chống đông…

Tập thể cán bộ y sĩ, bác sĩ Đội điều trị 14 trong rừng Trường Sơn năm 1966

Ông còn học được kinh nghiệm gia truyền chữa rắn cắn, phổ biến cho toàn binh trạm và nhân dân ở khu vực đóng quân. Nhờ đó, nhiều người bị rắn độc cắn đều được chữa khỏi. Đội điều trị 14 của ông còn sản xuất thuốc Nam bằng các dược liệu địa phương, từ đó đã góp phần chữa trị được nhiều loại bệnh cho các chiến sĩ và nhân dân trong vùng. Bác sĩ Tạ Lưu đã góp nhiều thành tích trong việc xây dựng Đội điều trị 14 trở thành đội tiên tiến của Đoàn 559 và là niềm tự hào, niềm tin tưởng của toàn đơn vị phẫu thuật; là một chiến sĩ dũng cảm, một đồng chí trung kiên, một bác sĩ có tay nghề giỏi, một cán bộ khiêm tốn, trách nhiệm và gương mẫu trong công việc. Khi được tin có bộ đội bị thương, dù ở rừng rậm, suối sâu và cả những nơi khó khăn, nguy hiểm, Bác sĩ Tạ Lưu vẫn đi tìm bằng được để cứu chữa. Trong một lần công tác ở Khe Hổ (Hố Gai), ông đã cùng anh em trong đội phẫu thuật gan dạ, mưu trí dũng cảm luồn rừng, vượt suối lần theo vết máu vào tận khe đá đuổi hổ để tìm và kịp thời cứu chữa thương binh. Ông cũng rất quan tâm đến việc bồi dưỡng chuyên môn cho các y sĩ trong đơn vị làm thành thạo các phẫu thuật cơ bản ở các tuyến. Các y tá, dược tá làm được nhiều việc ở các chuyên môn khác nhau: nội, ngoại, sản, các chuyên khoa cận lâm sàng, làm cơ sở cho Đội điều trị 14 xây dựng được 9 đội phẫu thuật chia ra phục vụ ở các trọng điểm. Ông luôn gương mẫu ở mọi nơi, hết lòng cứu chữa thương bệnh binh, không quản ngại bất cứ việc gì. Có lần Trung đoàn 280 pháo cao xạ bảo vệ bến phà Xuân Sơn yêu cầu Đội điều trị 14 cử đội phẫu thuật vào mổ cấp cứu cho một đồng chí bị vết thương thấu bụng đã viêm nhiễm. Bác sĩ Tạ Lưu và 7 cán bộ đội phẫu thuật đã xung phong lên đường, không sợ hy sinh, nguy hiểm để cứu thương binh. Quãng đường đi 90km rất nguy hiểm vì mật độ máy bay trinh sát và nhiều loại máy bay Mỹ săn lùng suốt ngày đêm. Khi đến nơi, không nghỉ ngơi, Bác sĩ Tạ Lưu cùng  cộng sự thực hiện ngay cuộc đại phẫu. Sau khi thăm khám, ông quyết định vừa hồi sức tích cực, vừa tiến hành mổ cấp cứu và đã thành công.Ðội phó kiêm Trưởng ban Ngoại đội điều trị 14, bác sĩ Tạ Lưu luôn xung phong tới các tuyến đường trọng điểm, với “đôi tay vàng” của mình, ông cùng đội phẫu thuật cứu sống hàng nghìn bệnh nhân…

Đường Hồ Chí Minh đã trở thành con đường huyền thoại chi viện cho chiến trường Miền Nam

Với những cống hiến, đóng góp không ngừng nghỉ, cứu được nhiều thương bệnh binh trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, ngày 18 tháng 6 năm1969, Thượng úy quân y, Bác sĩ Tạ Lưu 39 tuổi, được lệnh ra Bắc nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ông đã góp phần lập nhiều thành tích để tập thể Đội điều trị 14 trở thành Đơn vị Anh hùng năm 1973.

Sau 4 năm phục vụ chiến đấu, năm 1970, Bác sĩ Tạ Lưu được trở lại miền Bắc để học thêm các phẫu thuật cao cấp ở Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức dưới sự dạy dỗ trực tiếp của Giáo sư Tôn Thất Tùng, sau đó ông được điều về phục vụ tại Khoa Ngoại chung Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình 109 (Quân khu II) rồi đi học bổ túc sau đại học 3 năm tại Học viện Quân y Ki-rốp (Liên Xô cũ). Khi về nước, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa Ngoại chung rồi  Viện phó, Viện trưởng Viện Quân y 110 (Quân khu I).

Bệnh viện quân y 110
Ban Giám đốc bệnh viện và các khoa chuyên môn giao ban, hội chẩn buổi sáng mỗi ngày

MỘT TẤM GƯƠNG MẪU MỰC

Nghề Y là một nghề rất đặc biệt và cao quí trong xã hội. Đối với những người thầy thuốc trước hết phải là những người luôn đặt yếu tố đạo đức nghề nghiệp lên trên hết. Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác cũng đã từng dạy: “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người. Không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”.

Năm 1993, Bác sĩ Tạ Lưu nghỉ hưu sau 47 năm phục vụ trong quân đội trên cương vị Giám đốc Bệnh viện Quân y 110. Với những cống hiến, đóng góp, sự hy sinh…cho quân đội, nhân dân, đất nước. Ông đã vinh dự được nhà nước phong tặng:

  • Hai năm liền là chiến sĩ quyết thắng
  • Nhà nướcphong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân 18/6/1969.
  • Huân chương chiến công hạng ba

Ông cũng là một trong những hội viên tiêu biểu có nhiều sáng tác thơ, văn của Hội VNNT tỉnh Bắc Ninh. Ông thường viết về những tấm gương của những người thầy, người anh, người bạn chiến đấu của mình. Hơn 20 năm cầm bút, ông viết 20 đầu sách trong đó có 13 đầu sách là truyện ngắn và 7 đầu sách là thơ ca để tặng bạn bè, đồng đội, đồng nghiệp, các thư viện, bảo tàng, nhà trường, bộ đội hải quân, chiến sĩ biển đảo… Được tặng thưởng 13 giải thưởng của các cấp. Năm 2007, ông được Ban Tuyên giáo trung ương trao giải văn học xuất sắc, năm 2015 được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng giải ba tác phẩm sáng tác hưởng ứng cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Năm 2016, ông được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp VHNT của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt nam. Hiện ông  đang hoàn thiện 2 cuốn sách, một cuốn là “Những người chiến sĩ Quân y”, một cuốn dự kiến mang tên “Tạ Kiên – người anh hùng trong lòng đồng đội và nhân dân” kể về câu chuyện của người chiến sĩ tiểu đoàn Thiên Đức năm xưa.
Gia đình Bác sĩ Tạ Lưu được Nhân dân địa phương quý mến bởi cả hai vợ chồng ông bà  sống phúc hậu, chân thành, giản dị, giàu tình cảm;được biết đếnnhư là một nhà văn, nhà thơ nhiều hơn là những chức danh và danh hiệu mà ông đã được Nhà nước phong tặng năm 1969: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thượng úy, bác sĩ quân y, đội phó đội điều trị 14, Binh trạm12, Đoàn 559 -Tổng cục Hậu cần, với những chiến công cứu chữa thương binh trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa năm xưa .

Trong những năm về hưu cuối đời, Bác sĩ Tạ Lưu đã đi nhiều nơi thăm hỏi bạn bè, sưu tầm các kỷ vật kháng chiến, vận động mọi người gửi cho các bảo tàng những kỷ vật quý của họ trong đó có những kỷ vật rất quý của Bác sĩ Tạ Lưu

Những kỷ vật mà Bác sĩ Tạ Lưu tặng bảo tàng tỉnh Bắc Ninh

Hiện nay ông đang sống  tại phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh. Mặc dù đã cao tuổi, nhưng ông vẫn tiếp tục đóng góp sức mình làm đẹp cho xã hội với những việc làm có ích, giàu lòng nhân hậu và tính nhân văn. Ông đã viết hàng chục đầu sách, bài báo, làm nhiều bài thơ với ý nghĩa ca ngợi những tấm gương, những nghĩa cử cao đẹp, tình đồng chí, đồng đội, tình bạn, tình thầy trò, tình gia đình. Nhiều cuốn sách, nhiều bài báo của ông được các giải thưởng từ Trung ương tới địa phương. Đặc biệt Anh hùng Tạ Lưu đã tặng lại Bảo tàng Bắc Ninh nhiều kỷ vật quý giá đã gắn bó với ông trong những năm khói lửa ở chiến trường, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

“ LỜI THỀ HIPPOCRATE” ĐÃ TRỞ THÀNH MỘT CHÂN LÝ
Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Lương y phải như từ mẫu”. Đáng mừng và đáng tự hào là dù đời sống còn không ít khó khăn, đa phần những người làm công tác y tế vẫn cần mẫn hàng ngày, hàng giờ chăm sóc phục vụ người bệnh, cho dù phải đối mặt với nguy hiểm bởi nguy cơ lây nhiễm rất cao. Xã hội tôn vinh, ca ngợi những người thầy thuốc Việt Nam không chỉ ở những khả năng, tài năng, học vị, bằng cấp mà còn ở tấm lòng y đức, đôi bàn tay yêu thương chăm sóc cho dù đã về hưu, tuổi cao, sức yếu, nhưng những phẩm chất Y đức cao đẹp  ấy luôn mãi bên mình trong trái tim của Anh hùng LLVTND – Thầy thuốc ưu tú – Bác sĩ Tạ Lưu .

Hippocrate – ông tổ ngành Y thời Hy Lạp cổ đại. Những tư tưởng và kiến thức của ông đến nay đã hơn 2500 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị cốt lõi. Đặc biệt ông đã dạy cho những người làm trong ngành Y phải có Y đức đó gọi là lời thề Hippocrate
Lời thề HIPPOCRATE của ngành Y
Bản dịch sang tiếng Việt của lời thề HIPPOCRATE của ngành Y

NHỮNG “VIÊN GẠCH ĐỎ” LÁT ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN

Chiến tranh đã lùi xa,bác sĩ, anh hùng-Tạ Lưu của Ðội điều trị 14 đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Ðất nước sạch bóng quân thù,ông trở về tiếp tục cống hiến tài năng, tâm huyết cho ngành y quân đội. Anh hùng Tạ Lưu nhận chức Viện trưởng Viện quân y 110, giờ sum vầy cùng cháu con tại Thị Cầu, Bắc Ninh. Nhắc về những kỷ niệm của những ngày chiến tranh ác liệt, về đồng đội, nhất là những người mãi mãi nằm lại chiến trường, ông khóc nức như một đứa trẻ. “Bảy năm liền, đơn vị luôn đạt danh hiệu quyết thắng. Nhưng có những người con mãi mãi không về. Các anh chị: Chè, Sửu, Cự, Sang, Bộ, Ðiền, Thiện, Hội, Tuấn, Hiên, Dũng, Vĩ, Huyên, Lộc… đã đóng góp xương máu của mình, làm nên những “viên gạch đỏ” lát đường Trường Sơn, đưa Tổ quốc Việt Nam thống nhất. Họ mới chính là những người anh hùng, chúng tôi chỉ là người đại diện nhận lấy vinh dự ấy mà thôi”.

Vị đại tá nghẹn ngào: “Xin hãy nhắc nhiều tới đồng đội đã cùng chúng tôi vào sinh, ra tử. Xin đừng bao giờ lãng quên những người đã nằm lại nơi này”. Ông kể: “Có những đợt B52 rải thảm, đường tắc, thương binh, bệnh binh dồn lại tới 600 người, trong đó có 120 bệnh nhân nguy kịch. Toàn thể cán bộ, y bác sĩ đã đứng cầm dao mổ suốt ba đêm, ba ngày cho tới khi hết thương binh chuyển về mới thôi. Ngày đó, chúng tôi cũng có chế độ cấp phát thuốc theo tiêu chuẩn, nhưng khi tiếp nhận nhiều thương binh, bệnh binh, tất cả đều nhường cơ số thuốc của mình cho họ. Chỉ có tình người mới giúp chúng tôi có nghị lực phi thường vượt qua gian khó”.

MỖI CÁ NHÂN NGƯỜI THẦY THUỐC CẦN PHẢI NÂNG CAO Y ĐỨC VÀ CHUYÊN MÔN

Bác Hồ với ngành Y

Có một điều đặc biệt, khi đã buông dao mổ, ông liền cầm bút, dành tâm huyết trong quãng đời còn lại viết về những chiến sĩ quân y nơi tuyến lửa. Như vậy dù trong xã hội nào thì từ hàng ngàn năm nay thì thầy thuốc luôn luôn phải lấy đạo đức làm gốc. Đạo đức đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người, thể hiện sự quan tâm đến người khác chứ không phải cho bản thân. Tại Việt Nam Y đức của người thầy thuốc luôn mang đậm phong cách truyền thống phương Đông. Bác sĩ Tạ Lưu là tấm gương sáng của một con người giàu lòng nhân ái, vị tha và khoan dung. Ông dành tình yêu thương và chia sẻ nỗi đau đối với con người. Đây là những đức tính mà những người làm thầy thuốc phải học tập và mang theo.

Tuy nhiên trong thời kỳ hội nhập, xã hội phát triển thì Y đức của người thầy thuốc hiện nay đã không còn được giữ trọn vẹn nữa mà thay vào đó là những cái nhìn vô cảm, thờ ơ với nỗi đau của bệnh nhân. Một bộ phận nhỏ những người thầy thuốc mang tính thương mại hóa trong ngành Y dẫn đến xã hội, người dân hiện nay dần mất lòng tin với người thầy, nghi ngờ và trở nên có cái nhìn ác cảm.

Cơ chế thị trường, đồng tiền xen giữa mối quan hệ của người thầy thuốc và bệnh nhân. Một số thầy thuốc, bác sĩ thậm chí là nhân viên y tế đều xuất hiện những biểu hiện tiêu cực, coi trọng quá mức đồng tiền, coi thường phân biệt bệnh nhân giàu bệnh nhân nghèo… đã làm biến dạng hình ảnh người thầy thuốc chân chính, làm vẩn đục sự thanh cao đối với hình ảnh người thầy thuốc.

Chính vì vậy để thay đổi cách nhìn của xã hội hiện nay về hình ảnh người thầy, mỗi cá nhân người thầy thuốc phải nêu cao tinh thần nhân ái, nâng cao trình độ chuyên môn và trách nhiệm với mỗi bệnh nhân. Ông coi đó là trách nhiệm đối với đồng đội đã khuất, với hy vọng những tấm gương thầm lặng ấy sẽ góp phần “đánh thức” những y, bác sĩ trong cơ chế thị trường lúc nào đó đã lãng quên lời thề Hy-pô-crát.Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa như nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã viết trong ca khúc bất hủ “Mùa xuân”. “Có đi qua những ngày mưa mới biết trân quý giá trị của ngày nắng, có kinh qua đau thương mất mát của chiến tranh mới biết quý trọng giây phút hòa bình”. Ông xứng đáng là Anh hùng LLVTND – Thầy thuốc ưu tú – Đại tá Bác sĩ Tạ Lưu– người con họ Tạ Việt nam : “ Sâu Y lý – Giỏi Y thuật – Giàu Y đức ”.

Tạ Ngọc Nam – BLSHTVN sưu tầm và biên soạn 30/4/2021
P/S : rất mong được sự đóng góp ý kiến của bà con họ Tạ cả nước để BLSHTVN ngày càng hoàn thiện. Thư gửi về địa chỉ email : banlichsuhotavietnam@gmail.com

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Enter your keyword