“Đâu phải mày râu mới anh hùng
Nàng Kiều họ Tạ lẫy lừng miền Nam
Người Anh hùng đã ghi tâm
Những dòng kí ức được thăm Bác Hồ
Qua rồi như những giấc mơ
Tạ Kiều kể lại bây giờ cùng nghe”
(Ý thơ Tố Hữu)
KÝ ỨC CỦA NỮ ANH HÙNG LLVTND TẠ THỊ KIỀU
Khi đã vào tuổi cận kề 70 nhưng Đại tá CCB, anh hùng Tạ Thị Kiều vẫn minh mẫn; Bà đã kể cho Cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh nghe những kí ức mà bà “ghi lòng tạc dạ” về Bác Hồ và lãnh tụ Cu Ba Fidel Castro như sau :
Tháng 11/1965, tôi (Tạ Thị Kiều) cùng với bốn đại biểu anh hùng và chiến sĩ thi đua miền Nam được ra thăm miền Bắc và thăm Bác Hồ, cùng đi với chúng tôi có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bác Phạm Hùng và các đồng chí thuộc Tổng cục Chính trị
Bác đón chúng tôi trong khu vườn Phủ Chủ tịch. Từ xa, trông Người như một ông tiên hiền hòa, giản dị, tác phong nhanh nhẹn. Thấy Bác, chúng tôi chạy ùa đến. Mỗi người chúng tôi đều thay nhau ôm lấy Bác, tất cả khóc nức nở mà không ai nói được thành lời, cảm thấy Người gần gũi biết nhường nào!
Bác cười đôn hậu và nói:
– “Các cháu về với Bác thì phải vui lên, không được khóc”.
Nói vậy nhưng giọng Bác trầm xuống:
“Bác nhớ đồng bào miền Nam nhiều lắm, nhớ các cụ phụ lão và các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng nên Bác ăn cơm không ngon, Bác ngủ không yên… Đồng bào miền Nam luôn ở trong trái tim của Bác…”.
Chúng tôi chợt nhìn lên, thấy nước mắt Bác rơi mà không sao kìm nén được xúc động…
Đi dạo với Bác quanh vườn hoa một vòng, khi trở lại chúng tôi đã thấy một bàn dài kê sẵn, trên bàn bày hoa và bánh kẹo. Bác bảo:
“Các cháu ăn bánh kẹo tự nhiên đi !”.
Sau đó, Bác hỏi anh Hồ Vai (dân tộc Pa Kô):
– “Cháu Vai! Cha mẹ của cháu sức khỏe thế nào? Cháu có mấy anh chị em? Các cháu có được ăn no không? Mặc có được ấm không? Có thiếu muối không?”
Anh Hồ Vai trả lời:
– “Thưa Bác, nhờ có Đảng, có Bác và đồng bào miền Bắc chuyển muối vô nên đồng bào quê cháu cũng có muối ăn,…”.
Khi anh Trần Dưỡng được Bác hỏi thăm, đồng chí ấy ngậm ngùi:
– “Thưa Bác, cháu chỉ có một mình côi cút, vì trong lúc gánh hai anh em cháu chạy giặc thì mẹ cháu và em cháu bị giặc Pháp bắn chết. Sau này, ba cháu bị giặc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm giết chết ở đập Vĩnh Trinh. Bây giờ, cháu độc thân, không còn anh em ruột thịt”.
Nghe xong, Bác rất cảm động, Bác động viên đồng chí Dưỡng:
– “Không sao! Bây giờ cha mẹ của cháu là Đảng, còn anh em của cháu là đồng đội, đồng chí”.
Tiếp đó, Bác lần lượt hỏi chuyện các đồng chí Huỳnh Văn Đảnh, Lê Chí Nguyện…
Đây là lần đầu tôi được gặp Bác, vì cảm động nên tôi chỉ kể cho Bác nghe về cha mẹ và anh chị em ruột của mình, chứ không nói được chút nào về cuộc chiến đấu của đồng đội mình.
Dịp này, chúng tôi được ăn cơm cùng Bác, được ăn nhiều món rất ngon. Tôi nhớ, mâm cơm hôm đó có bát canh cải xanh nấu với sườn non, cá kho và cà pháo muối, thêm chén nước mắm và mấy trái ớt. Mỗi người bưng một chén cơm nhưng cứ ngồi ngắm Bác. Thấy vậy, Bác nhắc:
“Các cháu ăn đi! Ăn thật ngon, ăn thật hết, đừng để thừa thức ăn”.
Tôi có cảm nhận, Người thương chúng tôi như những đứa cháu đi xa mới về. Sự quan tâm, chu đáo của Người, tôi luôn ghi lòng tạc dạ, không bao giờ quên.
Khi Bác đi xa, tôi rất nhớ Người. Những lời dạy của Người năm xưa như vẫn văng vẳng bên tai tôi: Phải có sức khỏe tốt thì mới vượt qua những khó khăn, sóng gió, trở ngại… Là người chiến sĩ cách mạng phải tuyệt đối trung thành với Đảng và nhân dân; Hết sức cần cù, nhẫn nại phục vụ nhân dân, đừng hách dịch với nhân dân…
Bác căn dặn:
“Các cháu được đồng bào thương mến, luôn luôn phải khiêm tốn, đừng vì sự thương mến đó mà tự cao, tự đại, đừng coi mình tài giỏi hơn người. Các cháu nên giữ gìn điều đó…”.
Từ sau năm 1965, anh hùng Tạ Thị Kiều còn nhiều lần có vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần cuối cùng bà được gặp Bác là lúc Người đi xa mãi mãi. Bà vô cùng xúc động! Trong dịp này, bà vinh dự được túc trực bên linh cữu của Người. Thời gian đã lùi xa, ký ức về những lần gặp Bác vẫn còn in đậm trong tâm trí của bà, là động lực khích lệ bà luôn nỗ lực phấn đấu trong công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.
Với cương vị Phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu 7, khi còn đương nhiệm, bà cùng các đồng nghiệp đã xây dựng và phát triển Bảo tàng trở thành nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ trong và ngoài lực lượng vũ trang Quân khu về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
Trong cuộc đời mình,Tạ Thị Kiều đã có dịp được đặt chân đến nhiều quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Liên Xô, Triều Tiên, Tiệp Khắc, Hungary, Cuba…
* Đặc biệt, 3 lần được gặp lãnh tụ Cu ba Fidel Castro:
– Cuối năm 1965, Tạ Thị Kiều trong đoàn đại biểu miền Nam ra thăm miền Bắc, rồi được thăm các nước bạn. Cô du kích Mỏ Cày, Bến Tre xinh xắn, nhỏ nhắn nhưng có thành tích chiến đấu gây ấn tượng mạnh mẽ với Fidel Castro. Cũng vì thế lãnh tụ Fidel Castro dành cho nữ anh hùng Tạ Thị Kiều tình cảm rất đặc biệt.
Đại tá Tạ Thị Kiều hồi tưởng: “Chẳng những được gặp Bác 6 lần, tôi còn may mắn có dịp dùng cơm chung cùng Người tại Phủ Chủ tịch. Tôi vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên được gặp Bác vào năm 1965, cách nay đúng 45 năm. Kỷ niệm lần đầu tiên được ôm chầm Bác vẫn còn tươi mới, cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn như vừa xảy ra”.
Chúng tôi tự hứa với nhau khi gặp Bác sẽ không được khóc để tranh thủ kể với Người về tình hình chiến sự và những chiến công của đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Vậy mà, khi thấy Bác bước nhanh dưới bóng xoài ra đón, chúng tôi chạy ùa đến ôm chầm Người rồi òa lên nức nở. Chúng tôi khóc vì hạnh phúc quá lớn khi được gặp Bác Hồ kính yêu, vị cha già của dân tộc” – bà Kiều xúc động.
Khi ấy, đoàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam đã bày tỏ với Bác tình cảm gắn bó, lòng kính yêu và mong mỏi lớn lao được đón Người vào thăm miền Nam khi nước nhà hoàn toàn thống nhất. “Bác nói Bác nhớ miền Nam, nhớ đồng bào, nhớ các phụ lão, nhớ các cháu thiếu nhi…, nhiều lắm. Miền Nam luôn ở trong tim Bác. Chúng tôi đã không kìm được nước mắt, lại vỡ òa ra khóc” – bà Kiều nhớ lại:
Sau lần gặp đó, đoàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam được đưa đi học tập văn hóa, chính trị để tiếp tục trở về chiến đấu. Cả đoàn được đưa đến học văn hóa ở Trường Bổ túc văn hóa sơ – trung cấp của Tổng cục Chính trị, lúc bấy giờ sơ tán ở Vĩnh Phú.
Bác Hồ rất quan tâm, yêu quý các chiến sĩ miền Nam ra Bắc học tập. Mùa xuân năm 1968, dù bệnh nhưng Bác vẫn hỏi han tình hình học tập của đoàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam. Năm đó, cả đoàn được mời vào Phủ Chủ tịch ăn Tết với Bác.
Khoảng tháng 4-1969, Tổng cục Chính trị cho xe đến đón đoàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam và thông báo rằng Bác Hồ bệnh nặng, phải đi ngay về thăm Người. Đến lễ Quốc khánh 2-9-1969, xe của Tổng cục Chính trị lại lên Vĩnh Phú đón đoàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam và báo tin chấn động: Bác mất!
“Chúng tôi phải về ngay trong đêm để hôm sau viếng Bác. Mọi người khóc như mưa, còn tôi ngất xỉu lúc nào không hay biết. Chúng tôi được phân công trực bên quan tài Bác, mỗi ca 4 người. Vì quá xúc động, tôi lại ngất xỉu thêm lần nữa…” – nữ đại tá bùi ngùi.
Đại tá Tạ Thị Kiều tâm sự: “Sau lần đầu tiên được gặp Bác, từng lời dạy của Người đã trở thành niềm tin, sức mạnh và kim chỉ nam cho tất cả hành động đấu tranh cách mạng của tôi về sau”.
Mỗi người trong đoàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam cũng đều tự hứa với lòng phải cố gắng học tập thật tốt để mau chóng trở về chiến đấu giải phóng quê hương, thống nhất đất nước và để được đón Bác vào Nam. “Vậy mà chúng tôi chưa kịp đón Bác vào Nam thì Người đã đi xa” – bà Kiều nghẹn ngào.
– Năm 1973, Fidel đến thăm Việt Nam, lúc cuộc chiến tranh đang rất ác liệt. Tạ Thị Kiều không ngờ lại được cùng ông đến Quảng Trị, thị sát sự thất bại của quân đội Mỹ. Hàng rào điện tử Mac Namara bị vô hiệu bởi những người Việt bé nhỏ nhưng ngùn ngụt ý chí thống nhất.
Bức ảnh Tạ Thị Kiều chụp cùng Fidel Castro trong đợt ông thăm Quảng Trị đã nói lên tình cảm đặc biệt lãnh tụ Cuba dành cho người nữ anh hùng miền Nam.
– Năm 1985, chính Fidel Castro thông qua Bộ Ngoại giao mời đích danh Tạ Thị Kiều tham quan Cuba. Với cô, đó là vinh dự vô cùng to lớn.
Tạ thị Kiều cũng công nhận đó là một vinh dự lớn vì được thay mặt quân Giải phóng miền Nam được găp lãnh tụ của ND Cu-Ba anh hùng. Bà có cảm nhận sâu sắc rằng, chỉ có Bác Hồ và lãnh tụ Fidel Castro là để lại ấn tượng sắc sắc nhất trong cuộc đời mình.
Được biết, Anh hùng Tạ Thị Kiều (tức Mười Lý) sinh năm 1938, quê ở xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày, Bến Tre. Đã hàng chục năm trôi qua nhưng đối với đại tá – Anh hùng Lực lượng Vũ trang Tạ Thị Kiều, kỷ niệm những lần được gặp Bác Hồ vẫn còn tươi mới và nguyên vẹn cảm xúc. Sinh năm 1938 ở Mỏ Cày – Bến Tre, là một trong những chiến sĩ giải phóng quân của miền Nam, bà Kiều vinh dự được gặp Bác Hồ đến 6 lần.
NHỮNG PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ
Năm 1965, Tạ Thị Kiều được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và được tặng nhiều danh hiệu cao quý khác:
-Huân chương Chiến công giải phóng,
-Huân chương Quân công giải phóng…
Bà là một trong những thanh niên tiêu biểu được chọn ra miền Bắc gặp Bác Hồ vào năm 1965. Và sau đó còn nhiều lần được gặp Bác, kể cả lần cuối cùng trước khi Bác đi xa..
TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG HÀO HÙNG
Đại lễ 1.000 năm Thăng Long -Hà Nội được tổ chức từ ngày 1 tháng 10 đến ngày 10 tháng 10 năm 2010 với tâm điểm là thủ đô Hà Nội ,nhằm kỷ niệm tròn 1000 năm kể từ khi kinh đô Thăng Long chính thức là thủ đô của Việt Nam( được đánh dấu bằng mốc son vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long,nay là Hà Nội ).Anh hùng Tạ Thị Kiều là một thành viên trong đoàn 1.000 anh hùng trên cả nước tham gia hành trình “Thăng Long – Hồn thiêng sông núi” về Hà Nội dự đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, đại tá Tạ Thị Kiều luôn là tâm điểm của những cuộc giao lưu, đối với bà đây là chuyến đi đầy ý nghĩa .
Bồi hồi nhớ lại những lần được gặp Bác, bà xúc động kể lại lần gặp mà bà còn nhớ nhất là đầu tháng 11/1965, bà cùng với 4 người khác đều là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân từ miền Nam ra. Khi xe đến đón, nghe cán bộ bảo được đi gặp Bác là bà và các anh trong đoàn cuống lên. Lúc ấy, bà thay chiếc áo bà ba nhưng tay run rẩy, mãi không cài được cúc áo. Bỗng nhiên, bà thương nhớ bà con ở quê, ở miền Nam, đánh giặc vô vàn hy sinh gian khổ, để dành hạnh phúc cho bà được gặp Bác. Trước khi trở về miền Nam, bà Tạ Thị Kiều và các anh hùng miền Nam còn được mời ăn cơm với Bác. Hôm ăn cơm, Bác dặn: “Được về quê hương vui mừng, nhưng cũng nhớ khiêm tốn với bà con, còn với kẻ thù không được lơ là cảnh giác”.
Hôm nay, thêm một lần được ra Thủ đô, nhớ đến những lần gặp Bác, Anh hùng Tạ Thị Kiều bùi ngùi xúc động:“Tôi rất vui mừng được tham dự Đại lễ tại Hà Nội. Đây là một niềm vinh dự và tự hào. Trong thời gian còn lại cuả đời mình, tôi sẽ tiếp tục động viên, giáo dục thế hệ trẻ tiếp tục cống hiến cho đất nước, xây dựng một đất nước giàu mạnh”.
Trước khi nghỉ hưu Tạ Thị Kiều là đại tá Phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu 7. Nữ Anh hùng Tạ Thị Kiều mất năm 2012.Câu chuyện trong ký ức của Tạ Thị Kiều về Bác Hồ và lãnh tụ Fidel Castro sẽ mãi luôn khắc ghi trong lòng các CCB và mỗi con người Việt Nam.
Để tưởng nhớ và tri ân công lao đóng góp cho quê hương, đất nước của người anh hùng xứ dừa, chính quyền và nhân dân xã An Thạnh đã quyết định đổi tên Trường THCS An Thạnh thành Trường THCS Tạ Thị Kiều vào ngày 13 tháng 01 năm 2014, Sau đây là một số hình ảnh của buổi lễ công bố quyết định.
Tạ Ngọc Nam – Ban LSHTVN sưu tầm và biên soạn 18/4/2021
P/S : rất mong được sự đóng góp ý kiến của bà con họ Tạ cả nước để Ban LSHTVN ngày càng hoàn thiện. Thư gủi về qua địa chỉ email: banlichsuhotavietnam@gmail.com