Phi công anh hùng LLVTND-TẠ ĐÔNG TRUNG sinh tháng 01 năm 1948 . Nguyên quán : Bình Lục -Hà Nam . Trú quán : Ngọc Lâm-Long Biên-Hà Nội.
QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG
Tháng 04 năm 1966 nhập ngũ . Từ 06/1966-1969, ông học trường đào tạo phi công tại Liên Xô và được đứng trong hàng ngũ Đảng cộng sản Việt Nam. Năm 1969-1975 , ông là phi công tiêm kích MIG-17 thuộc Trung đoàn không quân 923 của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của Mỹ và giải phóng Miền Nam. Năm 1975-1977, ông được phong làm đại đội trưởng, phi công cường kích A-37 và là phi đội phó phi đội 4 ,Trung đoàn KQ 937, Sư đoàn KQ 372.
THÀNH TÍCH CHIẾN ĐẤU
Từ tháng 05 năm 1975 đến tháng 10 năm 1977, phi công TẠ ĐÔNG TRUNG đánh 11 trận ,trận nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông cùng đồng đội đánh thiệt hại nặng 2 sở chỉ huy Trung đoàn,3 trận địa pháo, đánh trúng 2 vị trí hành quân lấn chiếm của địch . Trong ngày 11,12,13 tháng 06 năm 1975, phi công TẠ ĐÔNG TRUNG chỉ huy biên đội đến đánh phá đảo Vai ( cách đất liền 250 km ). Địch ở mặt đất bắn lên mạnh, ông vẫn bay thấp, lượn nhiều vòng, thả bom diệt nhiều mục tiêu trên đảo, đã tạo điều kiện cho hải quân ta diệt gọn 1 tiểu đoàn ở đây. Ngày 07/05/1977, phi công TẠ ĐÔNG TRUNG đã chỉ huy biên đội bay thấp, bất ngờ ném bom đánh trúng một số điểm cao ở vùng Khánh Hội ( An Giang ). Trận này ông đã cùng đồng đội đánh thiệt hại nặng sở chỉ huy Trung đoàn địch, phá hủy 2 trận địa pháo. Ngày 29 tháng 09 và ngày 01 tháng 10 năm 1977, phi công TẠ ĐÔNG TRUNG chỉ huy biên đội phá hủy 2 trận địa pháo, bắn cháy kho tang quân sự, diệt nhiều địch ở khu vực Xa-mát ( biên giới Tây Ninh ).
CHUYẾN BAY CUỐI CÙNG
Theo Lịch sử trung đoàn không quân 937 (1975 – 2005) và Lịch sử dẫn đường Không quân, ngày 1/10/1977, máy bay A-37 của Trung đoàn 937 được điều động cho nhiệm vụ ném bom vào đội hình quân Khmer Đỏ ở khu vực Cây Me theo yêu cầu của Sư đoàn 4 bộ binh Quân đoàn 4.
Đơn vị sử dụng 4 lần chiếc A-37 do phi công Nguyễn Văn Vân bay số 1 làm biên đội trưởng, phi công Tạ Đông Trung và Nguyễn Thế Hùng bay số 2, phi côngTrần Cao Thăng bay số 3 và phi công Nguyễn Văn Sinh bay số 4 làm nhiệm vụ chiến đấu.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai máy bay của biên đội trưởng bị hỏng phải quay trở về căn cứ, phi công Tạ Đông Trung được lệnh chỉ huy biên đội tiếp tục bay đến khu vực Cây Me để oanh kích.
Đó là một cụm cứ điểm phía bắc con đường nối liền Gò Dầu với Svayrieng, trong một làng cách biên giới chừng 1 km, từ cứ điểm này bọn Pol Pot tấn công sang biên giới nước ta ở khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông.
Máy bay cường kích A-37 chiến lợi phẩm thu được sau năm 1975
Những chiếc A-37 kéo lên cao, đội hình hàng dọc, hai chiếc đi đầu ném bom xong, lửa khói còn cuồn cuộn, Tạ Đông Trung bổ nhào, đến cự ly 500 m anh ném bom. Chiếc A-37 theo đà lao xuống đến 300 mét vừa ngóc lên anh bị súng 12,7 mm bắn trúng khiến máy bay bốc cháy, phi công Nguyễn Thế Hùng hy sinh còn phi công Tạ Đông Trung kịp kéo dù… chiếc dù theo gió bay ngược về phía biên giới.
CHIẾN ĐẤU ANH DŨNG
Quân ta ở bên tuyến phòng ngự nhìn thấy rất rõ, các chiến sĩ ở đài quan sát nhìn thấy Tạ Đông Trung cố lái chiếc dù về phía đông, họ thấy anh kéo dù để nhờ gió đẩy nhanh về phía quân ta.
Nhưng chiếc dù như có một sức mạnh trì kéo, Trung cố vươn về phía con đường còn sức hút của trái đất lại kéo anh xuống. Trung rơi xuống một cánh đồng cách quân ta chừng 700 m… lập tức quân Pol Pot kéo đến bao vây.
Ngay trong lúc đó, sở chỉ huy mặt trận lệnh cho trực thăng UH-1 của phi công Đinh Gia Dục đang làm nhiệm vụ gần đó, đến cứu phi công bị nạn.
Từ trên máy bay nhìn xuống, Đinh Gia Dục nhìn thấy một đồng chí phi công ta lọt giữa vòng vây địch, dùng súng ngắn chiến đấu với cả một đại đội địch. Chiếc trực thăng UH-1 đơn độc trước một đại đội địch, quần đảo liên tục trước hoả lực dày đặc, không thể đáp xuống được.
Máy bay A-37 của ta đã nhiều lần giáng cho quân Khmer Đỏ những đòn thiệt hại nặng nề
Trên thực địa, ở bên này quân ta nhả đạn, những khẩu đại liên cơ động ra khỏi công sự lao trên mặt ruộng đặt ở vị trí có thể bắn xa nhất. Nhưng những viên đạn chẳng thể đi xa hơn. Quân Pol Pot tiến rất nhanh.
Khẩu súng ngắn trong tay đã lên đạn. Từ trên bờ ruộng Trung bắn gục hai tên tiến đến gần, định bắt sống anh. Quân ta, một trung đội vượt biên giới lao về phía người phi công của ta, trượt qua ruộng lúa khô, còn cách chừng 500 m, cánh đồng lầy chắn ngang, dù mùa khô đã trên một tháng nước ở đây vẫn chưa khô, việc cơ động rất chậm.
Trong khi đó, bọn Pol Pot xả súng ngăn lực lượng quân ta từ biên giới tiến sang. Cuộc chiến đấu đã diễn ra trên đồng ruộng, các chiến sĩ bò xuống dựa vào bờ ruộng bắn trả, quân ta không tiến lên được.
Họ nhìn người đồng đội của mình đánh trả bọn áo đen lao đến ngày càng đông. Họ thấy Trung từ trên bờ ruộng đứng thẳng bắn gục thêm hai tên nữa. Bọn Pol Pot không thể bắt sống được người phi công Việt Nam kiên cường nên đã tập trung hỏa lực sát hại anh.
Đồng chí Tạ Đông Trung quyết không để địch bắt đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh, giữ trọn khí tiết cách mạng, để lại tấm gương sáng ngời về tinh thần sống anh dũng, chết vẻ vang. Cả hai đồng chí phi công sau đó được tặng huân chương Chiến công hạng ba.
Biến đau thương thành hành động, ngày 2/10/ 1977, Không quân ta tiếp tục cho 3 lần/chiếc U-17 do các phi công Nguyễn Văn Sửu (A), Nguyễn Văn Sửu (B), Nguyễn Duy Lê, Nguyên Hữu Thọ, Mai Chí Lưu và Nguyễn Khắc Tuấn bay chỉ thị mục tiêu cho UH-1 vũ trang và A-37.
Nhưng khi UH-1 chuẩn bị vào công kích, do chưa phân định rõ bộ binh địch – ta, nên buộc phải vòng ra. Sau đó, A-37 với 20 lần/chiếc đã ném bom trúng vào các vị trí cố thủ cuối cùng của quân Khmer Đỏ ở khu vực Cây Me – bến Sỏi. Đến 10 giờ, bộ đội Quân đoàn 4 hoàn toàn làm chủ trận địa.
PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ
– 1 Huân chương quân công hạng ba
– 2 Huân chương chiến sĩ vẻ vang ( hạng nhì,hạng ba )
– 1 bằng khen, 1 giấy khen
– Chiên sĩ thi đua năm 1974
– Ngày 20 tháng 12 năm 1977, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu “ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ).
TỎ LÒNG TRI ÂN
Giờ đây chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, nhưng mỗi tấc đất của quê hương đã chứa đựng tâm hồn và thể xác của các anh hùng liệt sĩ , để bây giờ chúng tôi-những người con mang dòng máu họ Tạ được sống trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc. Chúng tôi sẽ nguyện bước tiếp con đường mà các anh đã chọn, sống, lao động và học tập thật tốt để xứng đáng với những hy sinh to lớn của các anh.
Cảm ơn những chiến công oanh liệt của các bậc tiền nhân họ Tạ đã đi vào lịch sử chói lọi của dân tộc để chúng tôi có được nền hòa bình,độc lập như ngày hôm nay. Xin được kín cẩn nghiêng mình trước vong linh các anh hùng liệt sĩ, để mỗi chúng ta tự soi rọi lại chính mình, để thế hệ trẻ tự hào về sự nghiệp của cha ông, lấy đó làm động lực phấn đấu rèn luyện tu dưỡng xây dựng quê hương đất nước.
Bởi thế, bởi chiến tranh đâu phải trò đùa như nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã viết trong ca khúc bất hủ “Mùa xuân”. Có đi qua những ngày mưa mới biết trân quý giá trị của ngày nắng, có kinh qua đau thương mất mát của chiến tranh mới biết quý trọng giây phút hòa bình.
Sự hy sinh không thể tả xiết ấy nhắc nhở cho hậu thế phải tiếp bước truyền thống của tiền nhân bảo vệ non sông nước Việt khỏi các thế lực ngoại bang, để không hỗ thẹn với vong linh các anh hùng liệt sĩ. Như chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn nhủ “Các vua Hùng đã có công dự nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Chiến tranh đã khiến hàng lớp lớp những người con đất Việt ra đi không bao giờ trở lại, có những cuộc chia ly đã trở thành một phần của lịch sử, không ít trong số ấy vẫn chưa tìm thấy hài cốt…
Một lần nữa cho phép chúng tôi – những người con mang dòng máu họ Tạ kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các anh hùng liệt sĩ cả nước nói chung và liệt sĩ họ Tạ nói riêng trong đó có liệt sĩ anh hùng LLVTND phi công TẠ ĐÔNG TRUNG ” Sống anh hùng ,chết vinh quang ” .
TRƯỜNG HỢP TRÙNG HỢP NGẪU NHIÊN
Vào ngày 03 tháng 02 năm 2018 tại chiến trường Syria , phi công thiếu tá Roman Filippov lái máy bay cường kích Su-25 đã bị quân khủng bố bắn rơi . Sau khi chiếc Su-25 bị bắn rơi, phi công Roman Filippov đã anh dung chiến đấu và hy sinh trước vòng vây của quân khủng bố. Thật trùng hợp, đã có phi công Việt Nam cũng từng như vậy.
Hành động của phi công Su-25 của Không quân Nga – Thiếu tá Roman Filippov đã giành được sự ngưỡng mộ lớn từ khắp nơi trên thế giới, kể cả từ chính nước Nga lẫn phía đối địch, đây là điều hoàn toàn xứng đáng với tinh thần chiến đấu quả cảm trên. Nhưng không chỉ riêng Quân đội Nga mà Không quân nhân dân Việt Nam cũng có một trường hợp tương tự, đó là anh hùng phi công thượng úy Tạ Đông Trung.
Tạ Ngọc Nam – BLSHTVN biên soạn, Tạ Thu Hiền cung cấp hình ảnh và tư liệu 07/2021