Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Liệt sĩ Công an Nhân dân – Tạ Văn Sáu

Ông Tạ Văn Sáu sinh năm 1928, tại xã Phước Thọ (nay là thị trấn Đất Đỏ), Huyện Đất Đỏ, Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, con của liệt sĩ Tạ Văn Quy và bà Dương Thị Thàng-người có công với cách mạng. Gia đình ông bà Tạ Văn Quy, Dương Thị Thàng có 10 người con đều tham gia cách mạng, có người là cán bộ cao cấp trong quân đội, có người giữ trọng trách của Tỉnh, của Huyện trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Anh hùng LLVT ND Tạ Văn Sáu (1928-1960)

THAM GIA HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG
Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng; đứng trước cảnh áp bức, bóc lột của thực dân Pháp. Đầu năm 1945, Tạ Văn Sáu đã thoát ly tham gia cách mạng khi chưa đầy 18 tuổi, lúc đó ông là đội viên thanh niên tiền phong, thư ký  công an Huyện Đất Đỏ; tháng 2/1947, ông vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1948, là phó Ban điều tra công an Huyện, năm 1949, là Trưởng Ban điều tra công an Huyện Đất Đỏ, năm 1951, là trưởng công an căn cứ khu Tây của Tỉnh (vùng lộ 15 Hắc Dịch-Phú Mỹ). Năm 1952, ông trở về làm Phó trưởng công an Huyện Long Đất cho đến năm 1954.

Sau khi hiệp định Genève được ký kết, tháng 8/1954, ông được phân công ở lại để xây dựng cơ sở, chỉ đạo phong trào đấu tranh chính trị. Năm 1954-1955, ông là Huyện ủy viên của Đảng bộ Huyện Đất Đỏ, phụ trách công tác văn phòng, thu thập tin tức qua đài tiếng nói Việt Nam, biên soạn tài liệu phục vụ sự chỉ đạo của cấp ủy và tuyên truyền trong nhân dân.

Trong những năm 1956-1957, địch tiến hành tố cộng, diệt cộng, khủng bố ác liệt phong trào cách mạng ở Đất Đỏ, nhiều cán bộ đảng viên bị bắt và bị đày đi Côn Đảo. Ông được phân công bám địa bàn, trực tiếp chỉ đạo phong trào các xã vùng Đất Đỏ (Phước Thạnh, Phước Thọ, Phước Hòa Long), đấu tranh đòi địch phải thi hành hiệp định Genève, chống khủng bố những người kháng chiến, đòi tổng tuyển cử thống nhất nước nhà và đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh chống tư sản cướp đất của dân ở Sở Cống Dầu.

Cuộc đấu tranh của nông dân ở Sở Cống Dầu thắng lợi củng cố niềm tin vào Đảng của bà con nông dân vùng Đất Đỏ. Qua cuộc đấu tranh, chi bộ xã Phước Thọ đã phát triển thêm lực lượng Đoàn, Đảng, tạo cơ sở vững chắc trong quần chúng cách mạng.

Tháng 7/1956, địch mở chiến dịch đánh vào phong trào cánh mạng toàn miền Đông, chúng lùng  bắt cán bộ ta. Chi bộ Phước Thọ, người bị bắt, người chuyển vùng. Ông được Huyện ủy cử về xây dựng lại cơ sở tại Đất Đỏ. Ông vận động quần chúng đấu tranh đòi Ủy hội Quốc tế xuống trực tiếp giải quyết, vạch trần bộ mặt giả dối của bọn chúng đã vi phạm hiệp định một cách trắng trợn.

Tháng 6/1958, ông về ở nhà mật cơ sở, chép bản tin đọc chậm của đài tiếng nói Việt Nam rồi in bột, giao lại cho các đảng viên mật tuyên truyền cho đồng bào. Tại đây, ông  tổ chức đội vũ trang, được nhân dân xã Phước Thọ đã hết lòng bảo vệ, che chở cho ông  trong thời gian hoạt động ở Đất Đỏ.

Năm 1959, địch thi hành luật 10-59, lê máy chém khắp nơi, đàn áp dã man các chiến sĩ cách mạng và các cơ sở cách mạng. Tạ Văn Sáu là người được Huyện ủy phân công lãnh đạo các chi bộ trong Huyện để lãnh đạo quần chúng đấu tranh mạnh mẽ với địch, có những cuộc đấu tranh do Tạ Văn Sáu trực tiếp tổ chức và lãnh đạo. Vì vậy, với biệt danh “Sáu Cà Cưởng” là một cái gai trong mắt bọn địch và chúng luôn tìm cách để tiêu diệt tận gốc.

Tháng 4/1960, hai Huyện Long Điền và Đất Đỏ sáp nhập thành Huyện Long Đất, lúc đó ông  là Huyện ủy viên phụ trách xây dựng lực lượng quân sự Huyện. Ông vẫn tiếp tục bám địa bàn Đất Đỏ, lãnh đạo đấu tranh chính trị, từ xây dựng lực lượng chính trị tiến lên xây dựng lực lượng vũ trang.

THÀ CHẾT CHỨ KHÔNG BAO GIỜ ĐẦU HÀNG
Biết Tạ Văn Sáu với biệt danh là Sáu Cà Cưởng là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Huyện, phụ trách lực lượng vũ trang và là ngòi nổ của cuộc đấu tranh chính trị mà địch cho rằng hết sức nguy hiểm ở địa bàn Đất Đỏ, địch đã mở nhiều đợt vây ráp, truy lùng. Với sự gan dạ, mưu trí, ông đã nhiều lần thoát khỏi tay địch chỉ trong gang tấc. Do bị chỉ điểm phát hiện, sáng ngày 20/06/1960 địch huy động Tổng đoàn dân vệ và lực lượng thám báo tiểu khu Phước Tuy tăng cường vây bắt ông tại nhà một cơ sở cách mạng ở ấp Tường Thành xã Phước Thọ (nay là Thị Trấn Đất Đỏ) Sau nhiều lần vây bắt bất thành, đúng sáng ngày 20/6/1960 tên Việt gian bán nước có tên là Giáo đã phát hiện ra nơi ông đang ẩn nấp. Ngay lập tức bọn địch huy động tất cả lực lượng thám báo Tiểu khu Phước Tuy bao vây tứ phía căn nhà bà Mai Thị Mão (bà Mão là cơ sở cách mạng ở ấp Tường Thành, xã Phước Thọ – nay là khu phố Tường Thành – thị trấn Đất Đỏ).

Bị bọn địch bao vây tứ phía, trong nhà lúc này chỉ có bà Mão và ông Sáu. Ngay cửa buồng nơi ông Sáu ở, chúng đặt một khẩu súng trung liên chĩa thẳng vào trong, sẵn sàng nhả đạn. Chờ đúng khi bọn ác ôn ập vào nhà khám xét, bà Mão cầm cây chổi quét nhà xông ra, cản quân địch, mở đường máu cho ông Sáu bung cửa, đạp bọn lính chạy thoát ra ngoài. Vượt qua được mũi quân trực diện, nhưng Tạ Văn Sáu lại bị một toán dân vệ, bọc hậu phía sau đuổi theo. Những họng súng của kẻ thù xối xả nhả đạn, Tạ Văn Sáu bị trọng thương vào bụng khiến ruột đổ ra ngoài…

Biết mình không thể qua khỏi, Tạ Văn Sáu lao vào bụi rậm, vờ ôm lựu đạn cố thủ. Trong lúc bọn địch sợ hãi bị ăn lựu đạn, không dám xông vào, Tạ Văn Sáu cố sức xé nát các tài liệu và nuốt hết vào bụng, vì đây là những tài liệu quan trọng, không thể để rơi vào tay giặc.Đúng như nhận định của Tạ Văn Sáu, bọn địch sợ phải “ăn lựu đạn” nên ra sức hò hét, dụ dỗ yêu cầu ông Sáu đầu hàng về với chính nghĩa Quốc Gia… sẽ được ban thưởng. Sau khi đã tiêu hủy hết tài liệu, ông Sáu tuyên bố với kẻ địch “thà chết chứ không bao giờ đầu hàng…”.

Trong lúc tuyên chiến với kẻ thù, ông Sáu lấy hết sức lực còn lại tự tay mình moi từng đoạn ruột ra, cắn răng, bứt ra từng đoạn… Thà hy sinh chứ nhất định không để bọn địch bức hàng. Biết không thể lung lạc được chí khí của người Đảng viên Công sản kiên cường Tạ Văn Sáu, địch bắn tiếp mấy phát đạn và Tạ Văn Sáu đã anh dũng hy sinh vào sáng ngày 20/6/1960 lúc mới 32 tuổi. Sau khi bắn chết Tạ Văn Sáu, địch đưa xác ông về tiểu khu Phước Tuy, để ở nhà tròn Bà Rịa và sau đó thủ tiêu xác Tạ Văn Sáu vì sợ nhân dân kéo lên đấu tranh. Nếu nói về sự chiến đấu hy sinh anh dũng của Liệt sĩ Tạ Văn Sáu – người con ưu tú họ Tạ Việt Nam, chúng ta lại nhớ đến bài thơ củaTố Hữu:

“Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hoá thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người từ chân lý sinh ra…
Chết như sống, anh hùng vĩ đại”

ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CÁC ANH HÙNG, LIỆT SĨ
Sự hy sinh kiên cường, bất khuất của Liệt sĩ Tạ Văn Sáu là một tấm gương cao đẹp, cổ cũ lòng yêu nước và ý chí tiến công cách mạng của quân và dân Huyện Đất Đỏ nói riêng, quân và dân toàn Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung. Đồng thời, cũng chính vì sự hy sinh kiên cường, bất khuất đó, với những chiến công xuất sắc, chiến đấu và hy sinh anh dũng, Liệt sĩ Tạ Văn Sáu vinh dự được Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam truy tặng danh hiệu liệt sĩ vào năm 1977 và truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và danh hiệu cao quý AHLLVTND vào năm 2011. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đặt tên đường mang tên anh hùng liệt sĩ Tạ Văn Sáu.

Sự hy sinh của Liệt sĩ Tạ Văn Sáu đã tô thắm thêm trang  sử vàng truyền thống của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, của CAND Việt Nam, hơn cả sự hi sinh, nhiều tấm gương liệt sĩ, thương binh CAND đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh, lưu danh muôn thuở, sống mãi với thời gian. Xứng đáng với 6 lời dạy của Bác Hồ với lực lượng CAND trên các lĩnh vực công tác, chiến đấu:

6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân:

Đối với tự mình phải: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
Đối với đồng sự phải: Thân Ái Giúp Đỡ
Đối với Chính phủ phải: Tuyệt Đối Trung Thành
Đối với nhân dân phải: Kính Trọng Lễ Phép
Đối với công việc phải: Tận Tụy
Đối với địch phải: Cương Quyết, Khôn Khéo.
(Trích Thư gửi đồng chí Giám đốc Công an Khu XII của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 11/3/1948.)

Trung tướng Châu Văn Mẫn – AHLLVTND thắp hương tưởng niệm liệt sĩ Tạ Văn Sáu tại lễ an vị tượng liệt sĩ.
Con đường được mang tên AHLLVTND – Tạ Văn Sáu tại thị trấn Đất Đỏ

CLB Công an hưu trí tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức lễ an vị tượng liệt sĩ Tạ Văn Sáu, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND). Tượng liệt sĩ Tạ Văn Sáu được đúc bằng đồng và đặt tại phòng tưởng niệm, trụ sở CLB Công an hưu trí tỉnh (số 77A, đường Bà Huyện Thanh Quan, phường 4, TP.Vũng Tàu). Chỉ tính riêng thị trấn Đất Đỏ này thôi đã có 554 liệt sĩ anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc; có 4 liệt sĩ được phong tặng Anh hùng và trong đó có 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Ngoài tấm gương anh hùng bất khuất của liệt sĩ Võ Thị Sáu (Bây giờ người dân địa phương thường gọi với cái tên Cô Sáu) chính ngay thị trấn Đất Đỏ này, còn có Anh hùng Tạ Văn Sáu, nguyên Phó trưởng Công an huyện Long Đất (nay là huyện Long Điền và Đất Đỏ). Mỗi lần nhắc đến tên ông, ở thị trấn Đất Đỏ này, có lẽ rất nhiều người còn nhớ những chiến công vang dội của ông trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.Đặc biệt là những tấm gương bất khuất, kiên trung của các anh hùng liệt sĩ. Chính họ là những người đã viết nên những trang sử vẻ vang của quê hương Đất Đỏ anh hùng, trong đó có Anh hùng LLVT ND -Liệt sỹ CAND TẠ VĂN SÁU.

Tạ Ngọc Nam (BLSHTVN – Sưu tầm và biên soạn theo báo: nhân dân, đất đỏ… ngày 19/8/2021).
P/S : rất mong được sự đóng góp ý kiến của bà con họ Tạ cả nước để BLSHTVN ngày càng hoàn thiện. Thư gửi về địa chỉ email : banlichsuhotavietnam@gmail.com

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Enter your keyword