Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo – Tạ Thái An (Phần 1)

Ông tên thật là Tạ Thái An, sinh ngày 25 tháng 10 năm 1921 tại xã Bảo Khê, huyện Kim Động (nay thuộc thành phố Hưng Yên), tỉnh Hưng Yên, con ông Tạ Quang Khai và bà Nguyễn Thị Tành. Cha ông là một tiểu chủ yêu nước làm nghề thợ may, do tham gia phong trào yêu nước nên bị Pháp lùng bắt, vì vậy đã đưa gia đình lên sinh sống tại vùng Tràng Định – Thất Khê (Lạng Sơn). Tuổi thơ ông lớn lên tại vùng rừng núi này.

(Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân – Thượng tướng Hoàng Minh Thảo – Tạ Thái An – 1921-2008 )

QUÁ TRÌNH THAM GIA CÁCH MẠNG
Sau khi hoàn thành lớp nhất (tương đương với lớp 5 hiện nay), ông được cha gửi xuống Hà Nội ở nhờ ông Mai Phúc Tường (hiệu Quảng Thái) ở 29 Hàng Bồ để học tiếp bậc trung học tại trường tư thục Thăng Long, nơi đã đào tạo ra nhiều người con ưu tú cho đất nước. Ông thuộc thế hệ học sinh của các thầy dạy lúc đó là Ðặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Ðồng,  Hoàng Minh Giám… Sau này khi ông Hoàng Minh Thảo hoạt động cách mạng đã được gia đình ông Mai Phúc Tường che giấu hoạt động. Là học sinh,ông tham gia và tìm hiểu về cách mạng nên đã bị nhà cầm quyền thực dân Pháp bắt. Sau khi tra khảo, vì không có bằng chứng nên chúng buộc phải thả ông. Lần bị thực dân Pháp bắt trở thành bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Cũng trong quãng thời gian này, trong những lần về Lạng Sơn nghỉ hè, ông giác ngộ cách mạng qua những đợt tham gia buổi tuyên truyền của Đảng. Năm 1937, Tạ Thái An được xếp vào danh sách cảm tình Đảng tại cơ sở Đảng ở Lạng Sơn và tham gia Đoàn thanh niên dân chủ của Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lấy bí danh hoạt động là Tạ Quang. Năm 1941, Tạ Quang tham gia Việt Minh, rồi được cử đi học quân sự ở Liễu Châu, Trung Quốc. Khi học ở trường này Tạ Quang đã vinh dự được Bác Hồ đặt cho tên mới là Hoàng Minh Thảo cái tên như một tiên đoán về cuộc đời và xứ mệnh của vị tướng tài ba xuất chúng trong quân đội. Theo đó họ Hoàng là lấy tên của trường Hoàng Phố, đệm và tên là Minh Thảo, dành cho con người thông minh, có tấm lòng tình nghĩa, thảo thơm, cái tên đó theo ông suốt cuộc đời.Cuối năm 1944, ông tham gia gây dựng cơ sở chính trị và xây dựng lực lượng du kích ở vùng biên giới Lạng Sơn.
Sau khi về nước, ngày 7 tháng 1 năm 1945, tham gia Ban phụ trách công tác biên giới của Tổng bộ Việt Minh, Ủy viên dự khuyết Tỉnh ủy lâm thời Lạng Sơn. Ngày 3 tháng 3 năm 1945, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và tham gia giành chính quyền ở Lạng Sơn. Cái tên Hoàng Minh Thảo ra đời trong thời gian này và gắn bó với ông cho đến tận cuối đời.

CHỈ HUY QUÂN ĐỘI
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, từ tháng 8 năm 1945 đến năm 1949, ông là phái viên của Bộ Quốc phòng ở các tỉnh duyên hải tả ngạn sông Hồng, Khu trưởng Chiến khu III, Phó tư lệnh Liên khu III. Năm 1948, ông được phong quân hàm Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam trong đợt phong hàm đầu tiên.Từ 1949-1950, ông làm Tư lệnh Liên khu 4.Sau Chiến dịch Biên giới 1950, các đại đoàn quân chính quy được thành lập. Ông được bổ nhiệm làm Đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn 304 (1950-1954).

THAM GIA GIẢNG DẠY
Sau năm 1954, ông được phân công công tác đào tạo cán bộ quân sự, xây dựng Học viện Quân sự. Ông giữ chức vụ Hiệu trưởng Học viện Quân sự liên tục từ 1954 đến 1966 (nay là Học viện Lục quân Đà Lạt).Năm 1959, ông được Nhà nước  phong Thiếu tướng QĐNDVN. Năm 1962, ông nghiên cứu ở Học viện Quốc phòng Bắc Kinh. Sau này có học bổ túc quân sự ở Liên Xô (cũ). Ông thông thạo tiếng Pháp, tiếng Trung quốc.

TRỞ LẠI CHIẾN TRƯỜNG
Năm 1966, ông nhận nhiệm vụ làm Phó Tư lệnh Mặt trận B3 Tây Nguyên. Trên mặt trận nóng bỏng và ác liệt này, tài thao lược và mưu trí sáng tạo trong nghệ thuật chỉ huy quân sự của ông ngày càng được bộc lộ.

Năm 1967, với cương vị Tư lệnh Mặt trận B3 Tây Nguyên, ông đã chỉ huy chiến dịch Ðắc Tô 1 giành thắng lợi to lớn. Kế thừa những kinh nghiệm từ chiến dịch Plây Me năm 1965 và chiến dịch Sa Thày năm 1966, lần này ông cũng vận dụng cách dụ địch vào thế trận của ta. Dựa vào kinh nghiệm và phán đoán quy luật, thủ đoạn hành động của địch, với một lực lượng hơn 3 trung đoàn của ta, ông đã bày một thế trận nhiều tầng, nhiều lớp, đón đánh địch bằng “chiến thuật vận động tiến công kết hợp chốt”, đây là một chiến thuật mới được sáng tạo nhằm hạn chế sức cơ động của quân Mỹ…

Trận Đăk Tô – 1967, được coi là chiến thắng lớn đối với quân ta khi đã tiêu hao nặng những đơn vị thiện chiến nhất của Mỹ, đây cũng được xếp vào là 1 trong 3 chiến dịch thắng lớn nhất trên địa bàn Tây Nguyên cùng với chiến dịch Plây Me năm 1965 và chiến dịch Đăk Siêng năm 1970.

Ðầu năm 1970, ông cùng với Ðảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên chủ trương mở chiến dịch Ðắc Xiêng. Trong chiến dịch này, mưu kế của ta là đánh Ðắc Xiêng để gọi địch ở Tân Cảnh ra cứu, rồi tiêu diệt quân cứu viện bằng đường bộ và đường không. Trong trận Ðắc Xiêng, quân ta đã vây tròn, vây chặt cả bốn mặt bằng chiến thuật “vận động bao vây liên tục”. Ðây cũng là một chiến thuật mới, sáng tạo, nhằm hạn chế hỏa lực sát thương của địch khi bao vây chặt quân địch, sau đó liên tục công kích cho đến khi dứt điểm làm chủ trận địa.

Năm 1972, ông chỉ huy chiến dịch Ðắc Tô – Tân Cảnh (Ðắc Tô 2) giành thắng lợi lớn. Không gian chiến dịch gần trùng hợp với chiến dịch Ðắc Tô 1 năm 1967, nhưng lần này đối tượng tác chiến là quân nguỵ có sự chi viện tối đa của hỏa lực Mỹ. Mưu kế chiến dịch là nghi binh lừa địch, bằng cách mở hai con đường cơ giới phía tây thị xã Kon Tum. Ðây là con đường làm giả nhằm thu hút địch về phía đó, làm cho địch tập trung lực lượng vào thị xã Kon Tum mà để sơ hở Ðắc Tô- Tân Cảnh. Lợi dụng sơ hở này, ta mở gấp một con đường quân sự nối vào đường 14 để đưa lực lượng chủ chốt và xe tăng vòng về phía đông Ðắc Tô- Tân Cảnh, là hướng địch không hề ngờ tới. Khi đã tạo được thế trận và thời cơ, quân ta siết chặt vòng vây ngăn chặn cụm thị xã Kon Tum và tập trung lực lượng đột phá cụm Ðắc Tô – Tân Cảnh. Ðịch bị trói chân ở Kon Tum không thể phản kích, trong khi toàn bộ quân ở Ðắc Tô – Tân Cảnh bị tiêu diệt, cụm phòng ngự phía bắc tỉnh Kon Tum sụp đổ nhanh chóng. Chiến thắng Ðắc Tô- Tân Cảnh góp phần cùng với các chiến thắng của chiến dịch Quảng Trị, chiến dịch Ðông Nam Bộ và “chiến dịch Ðiện Biên Phủ trên không” ở miền bắc trong năm 1972 có ý nghĩa chiến lược quan trọng, buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri và rút quân về nước, còn quân ngụy phải chuyển vào thế phòng ngự chiến lược.

Sơ đồ diễn biến chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972.
Lực lượng xe tăng của Mặt trận Tây Nguyên tham gia chiến dịch năm 1972.
Trung đoàn 66 làm chủ căn cứ 42, ngày 24/4/1972
Xác những chiếc xe tăng Mỹ do kíp xe tăng 377 bắn cháy tại trận Đắc tô-Tân Cảnh 2 báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của cụm phòng ngự mạnh của VNCH ở Đắc Tô – Tân Cảnh 2.

Đúng 15 giờ ngày 23 tháng 4 năm 1972, pháo binh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam nã đạn dồn dập vào căn cứ Tân Cảnh, cứ điểm mạnh nhất của QLVNCH. Vào lúc 1 giờ sáng ngày 24 tháng 4 năm 1972, 9 xe tăng T-54 của Đại đội 7 (Tiểu đoàn Xe tăng 297) xông thẳng qua thị trấn Tân Cảnh, lao lên mở cửa phía Đông căn cứ Tân Cảnh. Chớp thời cơ đối phương hoảng loạn, Tiểu đoàn 9 của Quân Giải phóng cùng đội công tác tỉnh Kon Tum kêu gọi nhân dân nổi dậy. Cho đến 5 giờ 55 phút ngày 24 tháng 4 năm 1972, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã chiếm được thị trấn Tân Cảnh. Lúc này cuộc chiến đấu ở căn cứ E42 Tân Cảnh diễn ra dữ dội. Một mình chiếc xe tăng Type 59 mang số hiệu 377 của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tiêu diệt 7 xe tăng M41 của địch trước khi bị QLVNCH bắn cháy bằng súng chống tăng. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam dần dần làm chủ tình hình. Đến lúc 11 giờ trưa ngày 24 tháng 4 năm 1972, Trung đoàn 66 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã làm chủ căn cứ Tân Cảnh. Theo phía Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, họ bắn rơi 8 máy bay, thu 9 xe tăng, 20 pháo 105 mm và 155 mm, gần 100 xe quân sự, hàng vạn quả đạn pháo và toàn bộ phương tiện chiến tranh của địch, bắt 429 tù binh.

Ngay khi Tân Cảnh sắp bị tiêu diệt, Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tại mặt trận cánh Đông đã cho pháo binh bắn phá căn cứ Đăk Tô 2 (sân bay Phượng Hoàng). Vào lúc 8 giờ sáng ngày 24 tháng 4 năm 1972, Trung đoàn 1 Sư đoàn 2 đánh thẳng vào sở chỉ huy E47 ngay ở sân bay Phượng Hoàng, 4 xe tăng T-54 và một pháo tự hành cấp tốc rời căn cứ Tân Cảnh chi viện cho mũi tấn công tại căn cứ Đăk Tô 2. Sức kháng cự của E47 nhanh chóng bị đè bẹp, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam làm chủ căn cứ Đăk Tô 2.

Cụm phòng ngự mạnh của QLVNCH ở căn cứ Tân Cảnh – Đăk Tô 2 bị tiêu diệt. Đại tá Lê Đức Đạt, Tư lệnh Sư đoàn 22 QLVNCH tử trận, phần còn lại của sư đoàn rút vào rừng tìm đường về Kon Tum. QLVNCH đóng ở các căn cứ Ngok Blêng, Ngok Rinh Rua, Tri Lễ, quận Đăk Tô cũng bắt đầu rút chạy trong hoảng loạn. Một vùng đất từ Diên Bình, qua Tân Cảnh đến Đăk Tô, về Đăk Mốt đã hoàn toàn nằm trong tay Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau khi tiêu diệt cụm phòng ngự Đăk Tô – Tân Cảnh, một căn cứ phòng ngự quy mô sư đoàn của VNCH, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã làm chủ một vùng tương đối rộng, đồng thời gây ra bầu không khí hoang mang cao độ cho lực lượng phòng ngự ở thị xã Kon Tum.

(Còn nữa …)

Tạ Ngọc Nam – BLSHTVN sưu tầm và biên soạn theo nguồn báo: QĐND, Dân trí, Vietnam plus… ngày 10/3/2021.
P/S : rất mong được sự đóng góp ý kiến của bà con họ Tạ cả nước để BLSHTVN ngày càng hoàn thiện. Thư gửi về địa chỉ email : banlichsuhotavietnam@gmail.com

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Enter your keyword