Năm nay mùa thu giãn dài. Đã cuối tháng Mười mà chút “hưu hưu gió lạnh đầu đông” vẫn chưa về.
Tôi và Tạ Quyết Thắng, Tổng giám đốc Công ty Sơn Trường ngồi nơi phòng khách Công ty trò chuyện. Hương gỗ Hơ mu từ bàn ghế, tủ kệ trong phòng tỏa nhẹ, thơm thơm.
Tôi không có ý hỏi người Tổng giám đốc này về những gì anh đã làm được trong vài chục năm qua để từ một Trạm Vật tư vận tải nông nghiệp với 7 người ban đầu, số vốn khởi nghiệp vỏn vẹn chỉ một tỷ, trở thành một trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, với tài sản hàng ngàn tỷ, và có hai ngàn công nhân, thu nhập bình quân mỗi người 8 triệu đồng mỗi tháng. Cũng không có ý hỏi bằng cách nào anh trở thành “vua bê tông”, một đại gia nổi tiếng đất Cảng vơi con số ấn tượng, trên 20 tỷ nộp ngân sách, và vài tỷ làm từ thiện mỗi năm. Thắng cũng không có ý kể những điều ấy. Tính anh vốn thế, kín đáo, không thích nói về mình; những điều làm được, chẳng muốn khoe, chẳng muốn viết lên sách lên báo; càng không muốn phô những cái mà cánh nhà báo vẫn gọi là thành tích, sự năng động…
Chúng tôi tâm sự chuyện xã hội, chuyện nhà.
Cuộc đời rất lạ, hình như mỗi người sinh ra, thượng đế đã sắp đặt một số phận. Và chẳng ai cưỡng được sự bày đặt tự nhiên ấy. Gọi nôm na, đó là mệnh. Tạ Quyết Thắng cũng vậy. Anh nói rằng anh chấp nhận con đường ông trời đã vạch ra.
– Giữa một chính khách, làm chính trị và một doanh nhân, anh lựa ai?
Tôi hỏi vậy, bởi từ những năm 70 của thế kỷ trước, suýt nữa Tạ Quyết Thắng đi theo nghiệp quan chức. Là trưởng phòng nông nghiệp có năng lực, nhiều sáng tạo, một trong những tác giả đầu tiên của khoán trong nông nghiệp, khoán một cách triệt để ở địa phương thời đó, anh được “cơ cấu” để bầu làm Phó chủ tịch huyện. Nếu trúng, anh sẽ là Phó chủ tịch huyện trẻ nhất Việt Nam bấy giờ. Nhưng số mệnh đã an bài. Vấn đề chẳng phải ở chỗ khi bầu, anh thiếu một phiếu, mà không hẳn ai cũng khoái sự trung thực, thẳng tính, thấy sai là nói nơi anh.
Thắng không trả lời, anh tủm cười. Con người này có nụ cười rất lạ. Vừa như thể có cái gì đấy diễu nhại, bí ẩn, lại như thể thân thiện, cởi mở.
– Tôi không thể lựa, mà ông trời chọn. – Tạ Quyết Thăng đáp vui – Nhưng dẫu sao, làm doanh nhân cũng tự do hơn…
Khi “ông trời” không chọn Tạ Quyết Thắng theo nghiệp quan chức, mà định vị anh ở vai một doanh nhân, trong bản chất của nó đã mang tính hợp lý. Tư chất doanh nhân nổi trội nơi con người này bộc lộ rất sớm. Thời bao cấp, lúc kinh tế oèo uột, khó khăn, anh đã khoái bươn trải, lách ra khỏi biên chế, để tự mình độc lập lo cho mình. Anh không muốn ràng buộc, trói thân trong sự xin cho của cơ chế. Thời đó, dám làm người tự do, không dựa dẫm, không bú mớm xã hội, phải là người táo bạo, tự tin, có bản lĩnh và dũng cảm lắm! Nhưng phải chăng đấy là lập trình vô thức của định mệnh, là tiền đề nhằm chuẩn bị để Tạ Quyết Thắng trở thành một doanh nhân giỏi giang, thành đạt sau này.
Những năm khốn khó ấy, Tạ Quyết Thắng, với tư duy nhạy bén đã biết tìm cách kiếm tiền chân chính và độc đáo. Anh thuê đất trông rau, trồng cà chua và một số nông sản trái vụ. Sản xuất nông sản trái vụ trước hết là ý tưởng và hướng đi đúng, đầy sáng tạo, và mạnh bạo. Tuy nhiên, làm cái điều chưa có tiền lệ ấy là hết sức chật vật, phải biết cách, lăn lộn, chịu khó, chịu khổ và quyết tâm. Thấm được công việc làm rau trái vụ không dễ dàng, nên dù trời năng, hay trời mưa, Thắng đều có mặt, trằn mình trên ruộng… Nhiều năm liền sống chung với thuốc trừ sâu và môi trường độc hại, song anh không nản chí. Người có công, biết quý đất thì đất không phụ. Anh thu hoạch khá, rau trái vụ quý hiếm, nhiều người mua, nên lãi nhiều… Rồi khi đã có đồng ra đồng vào, con người năng động này không chịu dừng lại ở đấy. Triết lý của người xưa: phi thương bất phú ngấm thấm vào anh. Tạ Quyết Thăng quyết định đi buôn. Buôn đủ thứ, miễn là hợp pháp và có thu nhập, từ phân bón, gạo, thép và xe vận tại. Một thửa người ta gọi anh là “Thắng xe”, vì thế.
Lăn lộn nơi thương trường khắc nghiệt với nghề buôn một thời gian, chưa hẳn giầu, nhưng với cách mẫn cán xoay trở, anh bắt đầu có vốn và có chút ít kinh nghiệm.
– Vậy là xây dựng nhà máy, làm cọc bê tông? – Tôi hỏi.
– Đúng ra “bê tông” chọn tôi chứ không phải tôi chọn “bê tông” – Thắng đáp – Từ một nông dân gắn với nông nghiệp bỗng dưng chuyển qua làm doanh nhân, sản xuất bê tông đúc sẵn, hơi lạ, phải không? Đây là đột phá của hướng đi mới. Nhưng định mệnh nó vậy. Làm bê tông đúc sẵn sẽ có lãi, nhưng bập vào chẳng dễ chút nào.
Kiếm tiền, chẳng việc gì là không khó khăn. Có điều là phải biết chớp thời cơ, quyết tâm và dám làm. Đức tính ấy, bản lĩnh ấy, qua thời gian va đập hội đủ nơi con người này. Thắng dư nghị lực và quyết tâm…Anh lần sang nước ngoài học hỏi kinh nghiệm, và khi mọi điều đã chín, anh bắt đầu hành động.
Năm 2003, cơ sở Bê tông Việt Đức ra đời, rồi theo dòng chảy thời gian, trở thành đơn vị có sản lượng bê tông thương phẩm lớn nhất miền Bắc, năm 2015 đạt sản lượng 750.000 m3¬.
Vạn sự khởi đầu nam, sau Bê tông Việt Đức, năm 2005, Tạ Quyết Thắng mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy Bê tông dự ứng lực Minh Đức. Đây là nhà máy có quy mô khá rộng, tọa trên diện tích 9ha và là nhà máy bê tông đầu tiên tại miền Bắc đầu tư dây chuyền đồng bộ với công nghệ hiện đại nhất nhập từ Đức, Nhật, Hàn Quốc và Malaysia.
– Có phải bởi vậy mà nhiều khách hàng tìm đến anh? – Tôi lại hỏi.
Hình như sự quan tâm của tôi đánh trúng vào những gì Thắng vẫn trăn trở, anh hồ hởi giải thích:
– Để có được hơn bốn mươi phần trăm thị phần bê tông cả nước và để có thể cạnh tranh, có hai yếu tố cơ bản, một là chất lượng sản phẩm và hai là giá thành sản phẩm. Đó là hai điều sống còn của doanh nghiệp.
Trong quá trình phát triển, Tạ Quyết Thắng đặc biệt chú trọng đến hai yếu tổ ấy. Thành công của anh cũng bắt đầu tư nhận thức đó.
Với quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 – 2008 và quy trình quản lý 5S (Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc và Sẵn sàng) của Nhật Bản trong toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà máy Bê tông đúc sẵn Minh Đức đã tạo ra môi trường sạch sẽ, an toàn, nâng cao sức khỏe người lao động từ đó nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, và luôn cho ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường có chất lượng tốt nhất và giá thành rẻ nhất. Sản phẩm chính của nhà máy là cọc bê tông ly tâm dự ứng lực D300 – D800 và cọc vuông từ 200×200 tới 500x500mm, được sản xuất theo tiêu chuẩn JIS Nhật Bản và KFS của Hàn Quốc, thích hợp cho những công trình dân dụng, công nghiệp và đặc biệt là các công trình cầu Cảng. Với những lợi thế đó, trong những năm qua Nhà máy Minh Đức đã giúp các nhà đầu tư tiết kiệm tới 20% chi phí nền móng và giảm tới 50% thời gian thi công.
– Tuyệt vời! – Nghe xong, tôi buột miệng, rồi hỏi thêm – Nhưng Công ty không chỉ sản xuất cọc bê tông, mà sau đó còn xây dựng rất nhiều công trình?
Thắng cười:
-Tôi vốn là kẻ tham lam mà!- Anh nhìn tôi và giảng giải: bán bê tống đúc sắn cho khách hàng để họ làm công trình, rất tốt, song thu hồi vốn chậm. Nếu dùng vật liệu của mình sản xuất ra để xây dựng các công trình do mình thắng thầu, tốt hơn nhiều. Thực hiện được việc ấy là một mũi tên bắn trúng nhiều đích. Vừa tiêu thụ được sản phẩm, vừa có công ăn việc làm cho cán bộ, công nhân, vừa tăng lợi nhuận…
Với tư duy ấy, những năm qua, Công ty Sơn Trường đã hoạt động trên hai lĩnh vực chính: Vừa sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn vừa đột phá thi công xây dựng công trình. Chỉ mười năm thực hiện phương thức đi bằng hai chân đó, Công ty Sơn Trường trở thành nhà thầu uy tín, nổi tiếng và mạnh nhất về lĩnh vực thi công các công trình thủy. Từ năm 2005, Sơn Trường đã tham gia xây dựng nhiều công trình cầu Cảng lớn từ Bắc vào Nam như¬: Cảng xuất xi măng Nghi Sơn tại Nha Trang; Cảng xi măng Thăng Long, xi măng Hạ Long; Cầu cảng Cái Lân ( Quảng Ninh); Cảng container hóa dầu VIPCO; hệ thống cầu cảng Đình Vũ ; Cầu cảng PTSC Đình Vũ ( Hải Phòng) vân vân.
Sơn Trường không hổ danh khi được biết đến như một nhà thầu chuyên nghiệp nhất, tiềm năng nhất. Nhiều công trình khó thi công, như công trình cầu cảng của Hải Quân ở Cam Ranh, chỉ Sơn Trường mới có năng lực và khả năng đấu thầu.
Sơn Trường tự hào là nhà thầu xây dựng có chất lượng trong lĩnh vực cung cấp và thi công nền móng cho các công trình lớn và hiện đại tại Việt Nam. Công ty đã xây dựng một số công trình như: Dự án xây dựng Công viên Yên Sở – Hà Nội do tập đoàn GAMUDA của Malaysia làm chủ đầu tư; dự án nhà máy sản xuất máy phát điện Tua – bin gió do Tập đoàn điện tử hàng đầu của Mỹ General Electric làm chủ đầu tư; dự án xây dựng Khu liên hợp Sản xuất Gang thép Hoà Phát do Tập Đoàn Hoà Phát làm chủ đầu tư; nhà máy sản xuất máy văn phòng Kyocera Mita – Nhật Bản; Tổ hợp nhà máy điện tử LG, Tổ hợp nhà máy điện tử Sam Sung – Thái Nguyên; nhà máy sản xuất lốp Bridgestone do Cty Nhật Bản đầu tư tại KCN Đình Vũ, nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn; Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 và 2… vân vân…
Tôi lại hỏi:
– Điều gì tạo nên thương hiệu Sơn Trường?
Tạ Quyết Thắng đáp:
– Vẫn là hai điều cốt tử: Chất lượng và giá thành. Khẩu hiệu của công ty là “bền vững với thời gian”, và phương châm là: “Có giá trị lớn, tiến độ thi công nhanh và không ngại điều kiện thi công phức tạp”. Nhiều công trình, người ta bỏ thầu 200 tỷ, tôi chỉ làm với giá 60 tỷ, chất lượng và thời gian vẫn đảm bảo. Nhiều khách hàng biết đến Sơn Trường và đến với Sơn Trường, vì vậy.
– Nghe nói anh đang mở rộng sản xuất bằng việc đầu tư mới một số sản phẩm tiên tiến khác nhằm khẳng định vị thế quan trọng của mình trong ngành xây dựng Việt Nam?
– Đúng như vậy, năm 2016 Công ty chúng tôi đầu tư thêm hai dự án. Một là dự án “mở rộng nhà máy bê tông Sơn Tây”, có vốn đầu tư khoảng 210 tỷ để sản xuất sản phẩm cấu kiện mới; hai là dự án “nhà máy sản xuất cọc ly tâm dự ứng lực” tại Gia Minh, Thủy Nguyên, Hải Phòng, vốn đầu tư 261 tỷ. Nhưng thật không dễ dàng!
– Thiếu vốn?
– Vấn đề không phải là vốn, mà là… cơ chế!
– Cụ thể?- Tôi sốt ruột.
Tạ Quyết Thắng không cười như mọi lần. Khuôn mắt anh trở nên đăm chiêu, thoáng một nét buồn.
Hai dự án này thuộc quy mô trung bình, với năng lực của Công ty, chỉ 6 tháng là chúng tôi hoàn thành. Nhưng, ách tắc là ở chỗ xin giấy phép xây dựng… Quá nhiều thủ tục và ” giấy phép con”.
Điều này thì tôi có thể thông cảm. Đến với nhiều doanh nghiệp, các ông giám đốc cũng kêu như vậy. Nói là “giấy phép con”, nhưng nó là một thứ sách nhiễu, gây phiền hà rất lớn dưới chiêu bài thủ tục, một thứ thủ tục hết sức phi lý, hành là chính mà tổn thất cho các doanh nghiệp không thể tính bằng tiền… Sự bùng nhùng của cơ chế là do con người tự sinh ra, tại sao vẫn không chịu bỏ nhỉ?
– Tôi đã viết thư lên Thủ tướng phản ánh hiện tượng này, nhưng hiệu quả đến đầu, đành … chờ.
– Chính phủ vừa có nghị quyết 35 nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp…- Tôi nói.
Thắng nhếch miệng cười, nụ cười nhiều dụng ý…
– Giữa nghị quyết và việc làm cụ thể, có hiệu quả là một khoảng cách rất xa… Thôi thì cứ hy vọng…
Tạ Quyết Thắng là con người trung thực, ngay thẳng. Biết anh từ những năm trước, tôi không khó để nhận ra điều ấy. Anh sẵn sàng phản biện những dự án tốn kém, ít hiệu quả và sẵn sàng đối thoại với mọi cấp để tìm ra hướng đi đúng, có lợi… Khi có dự án cảng nước sâu Lạch Huyện, với kinh phí xây dựng nước sâu gần bờ là 30.0000 tỷ, Tạ Quyết Thắng đã làm hồ sơ chi tiết, khoa học phản biện rằng kinh phí của dự án cảng nước sâu Lạch Huyện xa bờ chỉ mất khoảng 18.000 tỉ đồng và có thể huy động từ nguồn vốn trong nước, dưới hình thức xã hội hóa, không cần đến vốn ODA. Nhưng ý kiến của anh thường bị cái gọi là “cơ chế” và những lợi ích không tên khác chi phối, để ngoài tai. Có những dự án lớn, nếu làm theo đề xuất của Tạ Quyết Thắng, kinh phí giảm xuống chỉ còn một phần ba, song nói như một Nhà văn, rằng anh đang đánh nhau với những cối xay gió…
Tạ Quyết Thắng là con người nhân văn! Tôi nói như vậy chẳng phải vì vị giám đốc này năm nào cũng chú trọng đến công tác từ thiện. Mà anh làm từ thiện xuất phát từ cái tâm của mình, làm một cách lẵng lẽ, không phô trương. Khi tôi đang ngồi nói chuyện với anh cũng là lúc anh cho nhân viên mang 100 triệu đồng vào miền Trung ủng hộ gia đình cháu Hà, người đã dũng cảm cứu hai bạn đuối nước, phải hy sinh. Những việc đại loại như vậy, Tạ Quyết Thắng không chỉ làm một lần. Có người nói rằng sao công việc trân quý như thế không lên đài, lên báo. Thắng phô rằng, làm từ thiện để mọi người biết đến mình hóa ra bỏ tiền mua danh!
Triết lý của Tạ Quyết Thắng là cố làm ra thật nhiều tiền, nhưng tiêu rất dè xẻn, hết sức ít để còn dành tài sản của mình cho xã hội.
Và gần đây, người giám đốc này đã có một hành động khiến giới doanh nghiệp và nhân dân Hải Phòng nể phục, hoan nghênh. Trong lúc một số địa phương, các doanh nhân đua nhau tặng lãnh đạo ô tô sang, nhà lầu thì Tạ Quyết Thắng quyết định xây tặng người dân Hải Phòng cây cầu Tam Bạc nối khu Trung tâm thành phố từ chợ Sắt sang phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng trị giá trên dưới 100 tỷ đồng, ( Khởi công vào ngày mồng 4 tháng 4 năm 2017).Người ta càng ngạc nhiên hơn khi vị giám đốc này không hề đưa ra một yêu cầu, một đòi hỏi hoặc bất kỳ một điều kiện gì với Thành phố. Thậm chí khi lãnh đạo Hải Phòng có ý định đặt tên cầu là cầu Sơn Trường, Ta Quyết Thắng đã từ chối và cho rằng, đặt tên cầu thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, sao cho phụ hợp.
Đáng trọng!
Một Tổng giám đốc đi lên từ hai bàn tay trắng, nay đã có thể xây dựng rất nhiều công trình có chất lượng, tạo nên một thương hiệu, hơn mười năm qua đóng góp cho xã hội hàng trăm tỷ đồng, lo việc làm cho hơn hai ngàn công nhân với mức thu nhập khá cao, và ngày càng phát triển, con người ấy đáng được tôn vinh là Anh hùng lao động thời đổi mới. Song tuyệt nhiên anh không có một tấm giấy khen, không một bằng khen và không cả bất kỳ một danh hiệu nào. Có người rỉ tai, khuyên anh “chạy” để được nhận huân chương, anh nói rằng tiền ấy để dành cho người nghèo đáng hơn. Với những điều đó không thôi, Tạ Quyết Thắng đã là một phẩm chất, một nhân cách đáng nể vì, đáng trân trọng. Khác với một số đại gia, thường nhăm nhăm đứng gần các “ông lớn” chụp ảnh, rồi phóng to, treo trong phòng làm việc, lấy oai. Thắng không thế. Con người này không háo danh, đã đành, còn không muốn ỉ dựa vào bất kỳ “ai”, bất cứ cái gì. Anh đủ bản lĩnh để tự tin, tin vào mình và tin vào đội ngũ cán bộ công nhân viến nhiệt huyết, năng lực đã sát cánh cùng anh nhiều năm qua.
Anh tự nhiên xanh như cứ vậy mà xanh. Xanh sáng trong tựa màu xanh của biển!
Hải Phòng, Mùa Thanh minh 2017
Đình Kính