Bí thư xứ ủy Nam Kỳ – Tạ Uyên

Tạ Uyên còn có tên gọi là Châu Xương, sinh ngày 5/8/1898 tại làng Côi Trì, tổng Yên Mô (nay là xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), trong một gia đình nông dân tương đối khá giả, được đi học từ nhỏ. Song thân ông là ông Tạ Hoạt và bà Lê Thị Huynh. Ông từng theo Nho học và từng đỗ khóa sinh vào năm 18 tuổi. Sau đó, ông đi học nghề đạc điền. Nhờ có năng khiếu và thông minh, Tạ Uyên học nghề nhanh thành thạo và được bổ dụng làm thư ký đạc điền cho huyện.

(Tạ Uyên – 1898-1940)

THAM GIA CÁCH MẠNG
Năm 1925, Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội được thành lập ở hải ngoại và hoạt động phát triển cơ sở trong nước. Kỳ bộ Bắc Kỳ đã cử cán bộ về gây cơ sở ở Ninh Bình. Trong thời gian hoạt động bí mật ông lấy bí danh là Đồng, là Thành; ông đã lợi dụng công việc thư ký đạc điền để đi lại nhiều nơi trong các huyện Yên Mô, Yên Khánh, Gia Khánh, Kim Sơn để tuyên truyền cách mạng gây dựng cơ sở. Đến đâu ông cũng khơi dậy trong quần chúng nỗi khổ cực của người dân mất nước, kêu gọi mọi người đoàn kết đấu tranh. Ông đã sáng tác nhiều bài thơ tố cáo sự bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp đối với nhân dân lao động. Trong một bài thơ tuyên truyền ông viết:

“…Tình dân khốn khổ trăm bề
Thân giun phận dế dám hề thở than
Dân nghèo chẳng kẻ hỏi han
Dân cày chẳng kẻ tính bàn làm sao
Nỗi niềm tưởng đến mà đau…”

Vần thơ của ông cũng như lời kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh, tin tưởng ở thắng lợi
“Dây thân ái buộc tình đoàn kết
Bền lá gan lấp bể vá trời!”

Hay:

“Gan cho vững dạ cho bền
Góp công góp sức thì nên đấy mà
Nên chăng cũng bởi lòng ta
Gan vàng dạ sắt đúc nên chữ đồng”

Năm 1927, Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội Nam Định được thành lập. Tháng 9 năm đó, Tỉnh bộ cử cán bộ vào Ninh Bình gây dựng cơ sở, đầu tiên ở Hoàng Long, sau đó phát triển sang Yên Mô. Sau một thời gian thử thách, Tạ Uyên được kết nạp vào Hội. Tháng 10/1927, cơ sở Hội ở huyện Yên Mô đã phát triển, kết nạp thêm một số hội viên, Đồng chí Tạ Uyên được cử làm Bí thư. Ông đã chọn hang Bích Động xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư làm nơi sinh hoạt, tổ chức học tập và bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị và in truyền đơn phục vụ các đợt tuyên truyền. Ông trực tiếp làm nhiều việc, từ viết, in và rải truyền đơn đến gây dựng cơ sở cách mạng. Tháng 6/1929, Tỉnh ủy Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Định quyết định xây dựng các chi bộ cơ sở Đảng ở Ninh Bình, bằng cách kết nạp những hội viên tích cực nhất của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Sau chi bộ Lũ Phong (xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan), chi bộ Côi Trì được thành lập do ông làm Bí thư.

Năm 1929, để mở rộng ảnh hưởng của Đảng và kỷ niệm lần thứ 12 Cách mạng Tháng Mười Nga, Tỉnh ủy lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng Ninh Bình chỉ đạo mở đợt tuyên truyền lớn trong tỉnh. Ông và chi bộ Côi Trì (Yên Mô) đã soạn thảo và rải truyền đơn kêu gọi nhân dân đấu tranh chống đế quốc chiến tranh, chống thực dân Pháp và tay sai đàn áp, bóc lột. Sau đợt tuyên truyền này, địch ra sức đàn áp, khủng bố, vây bắt một số đảng viên và quần chúng. Ngày 19/11/1929, địch theo dõi, vây bắt khi ông đang trên đường đi công tác, đem về giam tại nhà lao Ninh Bình. Để khủng bố ông và các cơ sở cách mạng, địch còn về làng Côi Trì lục soát, khám xét, bắt cả cha và 3 người em của ông giam ở thị xã Ninh Bình.

Ngày 24/1/1930, lần đầu tiên ở Ninh Bình, thực dân Pháp mở phiên tòa xét xử những người cộng sản và một số quần chúng cách mạng trong tỉnh bị bắt sau đợt rải truyền đơn đầu tháng 11/1929. Ông bị buộc vào tội “phá rối trật tự trị an, âm mưu khuynh đảo chính quyền ở địa phương”, bị kết án 15 năm tù giam, đày đi biệt xứ. Trước tòa án đế quốc, đồng chí Tạ Uyên hiên ngang vạch tội ác của địch, ông tuyên bố: “Hôm nay các anh là người xử chúng tôi, ngày mai đây cũng chính ở chỗ này chúng tôi sẽ là người xử các anh”. Lời nói của ông đã đi vào lịch sử.

Tháng 6/1930, địch đày ông đi Côn Đảo. Tại đây, ông bắt liên lạc với nhiều cán bộ của Đảng và cùng một số đồng chí lập ra chi bộ nhà tù Côn Đảo. Ông được cử vào Ban Chấp hành chi bộ, phụ trách công tác cứu tế trong nhà tù. Thời gian ở Côn Đảo, đồng chí Tạ Uyên có điều kiện học tập lý luận Mác-xít, trau dồi tư tưởng cách mạng nên đã trở thành một trong những người có trình độ lý luận. Một số đồng chí cùng ở tù với đồng chí Tạ Uyên ngoài Côn Đảo đã xúc động kể lại: “Ra Côn Đảo tôi được biết đồng chí Tạ Uyên, tôi và mấy anh em khác bị giam ở banh 2, đồng chí Tạ Uyên đã cắn ngón tay lấy máu viết lên tường bốn chữ: ‘ Thủy chung như nhất’ ”. Sau một thời gian, ông bị đưa đi lao động khổ sai. Ngày đầu mới ra lao động, ông  phải đi làm ở sở cũi (sở chuồng bò ). Tù làm ở sở cũi phải đốn củi, đốt than, chăn bò, tối về phải có đủ củi, đủ than theo quy định, bò phải no không thì bị đánh đập, người bị để mất bò có khi bị đánh chết ngay, có người bị nhốt vào hầm say lúa cả tháng. Trong thời gian lao động khổ sai, ông đã liên lạc với nhiều đồng chí của Đảng bị địch đày ra Côn Đảo, cùng với một số đồng chí thành lập ra chi bộ ở nhà tù. Ban chấp hành chi bộ nhà tù Côn Đảo lúc thành lập có những đồng chí: Nguyễn Hới, Ngô Gia Tự, Tạ Uyên, Trần Quang Tặng, Lê Đức Thọ, Lê Văn Lương…. Đồng chí Tạ Uyên được phân công phụ trách công tác cứu tế trong nhà tù; công tác cứu tế trong nhà tù có nhiệm vụ: chăm sóc tù nhân ốm đau, người bị tra tấn, làm đỡ việc cho người ốm phải đi lao động và lo những việc ăn ở của anh em trong tù. Hàng ngày ông thường vận động anh em khỏe hơn làm đỡ việc cho anh em bị ốm yếu như chặt củi, đốt than, chuyển củi về trại…Đồng chí là người có sức khỏe khá hơn nhiều anh em nên thường làm đỡ anh em những việc nặng nhọc. Khi ra ngoài ông thường kiếm lá cây thuốc về chữa bệnh và những vết thương do anh em bị tra tấn hoặc bị tai nạn lao động. Ở trong lao cũng như khi đi lao động, ông thường bàn với anh em trong tổ cứu tế tìm ống bương, chai lọ, kiếm nước sạch về cho anh em. Đối với những anh em ốm, bị tra tấn kiệt sức không ăn được, ông tìm cách bí mật nghiền cơm nấu cháo cho anh em ăn.

Cuối năm 1934, ông được chi bộ giao cùng một số đồng chí khác đóng thuyền và chuẩn bị điều kiện để vượt ngục về đất liền hoạt động. Như chim được sổ lồng, ông và các đồng chí vô cùng phấn khởi, hăng hái thực hiện nhiệm vụ. Hàng ngày đi làm khổ sai, mặc dù bị địch theo dõi gắt gao, ông và một số đồng chí được giao nhiệm vụ đã tìm mọi cách bí mật lẻn vào rừng chặt gỗ để đóng thuyền.

CUỘC VƯỢT NGỤC THÀNH CÔNG VÀ TIẾP TỤC HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG
Năm 1935, chi bộ nhà tù chỉ định 5 đồng chí đảng viên cùng với 4 quần chúng tốt có kinh nghiệm đi khơi vượt biển quyết định vượt ngục (các đồng chí Tạ Uyên, Nguyễn Hữu Tiến, Tống Văn Trân, Phạm Hồng Thám, Võ Văn Trọng và 4 quần chúng tốt). Nếu như cuộc vượt ngục đầu năm 1935 của đồng chí Ngô Gia Tự không thành công thì cuộc vượt ngục lần này lại trót lọt, thuyền tới bờ, cập bến Hà Tiên. Theo lời kể của ông Phạm Hồng Thám quê tỉnh Minh Hải cùng vượt Côn Đảo với đồng chí Tạ Uyên kể lại: “Vào một đêm cuối xuân anh em chúng tôi bí mật cho thuyền  ra khơi, chưa bao giờ anh em xúc động nhiều như lúc này, nhiều anh em không cầm được nước mắt…nhưng trước yêu cầu của cách mạng, chúng tôi nén đau thương tạm biệt anh em đồng chí…Trời tối lần mò mãi 9 người mới hạ được thuyền rồi lặng lẽ ra khơi, gió thổi vào buồm phần phật, thuyền lướt nhanh trên mặt biển, 9 anh em ai cũng dán mắt nhìn về Côn Đảo mà ngậm ngùi thương cảm. Trời về sáng chúng tôi bảo nhau nấu cơm ăn, lương khô để dự trữ phòng khi bất trắc. Chúng tôi ăn cơm giữa trời nước tự do. Trời về chiều gió đổi hướng, thấy thuyền quay trở lại chúng tôi lo quá, anh cầm lái sung sướng bảo: không có ngại chi cả! gió Đông Nam rồi hay lắm! Dân đi biển gọi là gió chướng, nói rồi anh buộc lại buồm. Anh là một người tù thường, được giác ngộ cách mạng, tên là Sáu Lẻ người Hà Tiên quen nghề đi biển nên anh em gọi là: Tổng trưởng Hải Quân. Đã hơn một ngày lênh đênh trên biển, ai cũng say sóng mệt lử, cơm cháo lương khô cũng không ăn được, đang mơ màng trong hy vọng thì Sáu Lẻ gọi giật: đến rồi anh em hè…Nghe tiếng Sáu Lẻ chúng tôi bừng dậy, nhưng chỉ thấy mênh mông trời nước, bờ biển đâu xa mờ chưa rõ. Sáu Lẻ vẫn quả quyết: Thiệt, nhất định đó rồi !… Đêm đã tàn, trời sáng dần, từ xa chúng tôi nhìn thấy thấp thoáng những chấm nhỏ trên mặt biển, chúng tôi đoán đó là thuyền đồng bào đi khơi đánh cá, phấn khởi quá chúng tôi reo lên: Về với Đảng rồi, về với dân rồi !…Nhiều đồng chí ứa cả mắt …Sau những phút xúc động ấy, chúng tôi bảo nhau vứt những gì là địa ngục xuống biển, nhắc nhở nhau giữ bí mật và làm theo sự phân công của chi bộ Côn Đảo, chia tay về các địa phương bắt liên lạc hoạt động.Không lâu sau, Sáu Lẻ đã cho thuyền cập bờ, chúng tôi giả làm người Hà Tiên đến gặp đồng bào xin cơm nước rồi nhanh chóng phân tán về các địa phương bắt liên lạc với Đảng…Nhờ tay lái của Sáu Lẻ chúng tôi về đến đất liền thành công. Đồng chí Tạ Uyên được tổ chức chi bộ Côn Đảo phân công hoạt động ở vùng Hậu Giang, Bạc Liêu”.

Về tới đất liền tới Cần Thơ, đồng chí Tạ Uyên được gia đình ông Nguyễn Ngơn Hạnh xã Vĩnh Chân, huyện Cầu Kè đón về nuôi dưỡng, những ngày đầu ông nghỉ ngơi chữa bệnh, sau làm vườn giúp gia đình và học làm thuốc nam…Tuy ở nhà ông Hạnh chưa được bao lâu, nhưng để giữ bí mật, tổ chức chuyển ông đến nhà cụ Bành Thị Vàng, ấp 5, xã Hiệp Hòa, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long nghỉ chữa bệnh. Về đây thường ngày ông làm việc trong vườn và đi lao động ngoài đồng. Vốn là người ít nói, dáng ông cao to, da ngăm đen do vậy nhân dân ở đây gọi vui là anh “Hai lọ”. Anh Hai lọ thường ngày ra đồng lao động với nhân dân, tối về đi chơi thăm hỏi, chữa bệnh cho bà con cô bác, nhân dân Hiệp Hòa rất quý mến ông.Sau thời gian nghỉ ngơi chữa bệnh sức khỏe được bình phục, Đảng đã điều ông đến công tác tại Vĩnh Long, đầu năm 1936 lại chuyển ông về công tác tại huyện Trà Ôn (Cần Thơ) hoạt động.

Để che mắt địch lúc đầu ông làm cu-ly cho Hãng Rượu của tên Hàm Yên. Thường ngày ông cùng anh em công nhân đi kéo xe chở nguyên liệu về sản xuất và đưa rượu đến các nơi bán. Dần dần ông đã làm quen được với mấy anh em công nhân, phụ xe, tuyên truyền giác ngộ và đã xây dựng được cơ sở cách mạng ở Thị trấn. Được sự giúp đỡ của công nhân, ông đã lập ra Công hội đỏ ở nhà máy rượu và tổ chức công nhân đấu tranh buộc chủ phải giảm nửa giờ trong ngày…

Giữa năm 1936 phong trào cách mạng ở Vĩnh Long, Cần Thơ còn gặp nhiều khó khăn, đồng chí Tạ Uyên lúc đó là Xứ ủy viên được Xứ ủy cử về công tác ở tỉnh Vĩnh Long. Tại đây, đồng chí Tạ Uyên đã cùng các đồng chí khác củng cố, kiện toàn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Tạ Uyên được cử làm Bí thư Tỉnh ủy. Trước nhiệm vụ mới rất nặng nề, củng cố cơ sở, mở lớp bồi dưỡng cán bộ, phát triển đảng viên mới. Trong thời gian này, ông vừa đi lao động với công nhân ở nhà máy, vừa chỉ đạo phong trào cách mạng chung trong tỉnh.

Năm 1937, ông đã đến một số cơ sở ở huyện Tam Bình, Châu Đốc, Vũng Liêm, Chợ Lách…để kiểm tra nắm tình hình, giúp đỡ phong trào. Đến cơ sở nào ông cũng chú ý nghiên cứu để tìm ra phương pháp hoạt động thích hợp giúp đỡ cơ sở, gây dựng phong trào. Những ngày ở Vĩnh Long, ông quan tâm đến việc đạo tạo bồi dưỡng cán bộ, mở lớp huấn luyện bồi dưỡng lý luận phương pháp công tác và cùng anh  emcơ sở huấn luyện thêm. Các đồng chí Đảng viên hồi ấy đã làm việc với ông kể lại : “Những ngày sống làm việc với đồng chí Tạ Uyên, chúng tôi vui lắm! Đồng chí sống rất tình cảm, thường hay chăm lo đến đời sống anh chị em. Trong cơ quan có đồng chí nào ốm đau, đồng chí đến thăm hỏi, cho thuốc…Ngoài những ngày làm việc ở cơ quan, còn thời gian đồng chí lại đi cơ sở…”

Giữa năm 1937, theo yêu cầu của phong trào cách mạng, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định thành lập Ban Chấp hành Liên tỉnh ủy Hậu Giang, đồng chí Tạ Uyên được cử làm Bí thư Liên tỉnh ủy Hậu Giang (gồm các tỉnh Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Long Xuyên, Châu Đốc, Sóc Trăng, Rạch Giá,Sa-đéc…). Ban chấp hành liên tỉnh ủy quyết định: tăng cường củng cố các Đảng bộ, cử cán bộ về tỉnh để chỉ đạo xây dựng củng cố các đảng bộ, giúp đỡ phong trào. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tạ Uyên và Ban chấp hành Liên tỉnh ủy, các Đảng bộ Cần Thơ, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cà Mau…được củng cố, nhiều cơ sở Đảng, cơ sở cách mạng mới được thành lập. Phong trào trong khu vực được phát triển đều và rộng khắp.

BỐI CẢNH LỊCH SỬ
Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Tháng 6/1940, Pháp đầu hàng phát xít Đức. Lợi dụng cơ hội này, cuối tháng 9/1940, phát xít Nhật kéo quân vào Đông Dương, từ đây Nhân dân ta lâm vào tình thế “một cổ hai tròng”. Tháng 11/1940, bọn quân phiệt Thái Lan theo lệnh phát xít Nhật tiến đánh Campuchia. Thực dân Pháp bắt lính Nam Bộ ra trận làm bia đỡ đạn cho chúng. Căm thù thực dân Pháp và được cổ vũ bởi tiếng súng khởi nghĩa Bắc Sơn, Nhân dân Nam Bộ sục sôi tranh đấu.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ bảy (khóa I) từ ngày 6 đến ngày 8/11/1939 tại Bà Ðiểm (Hóc Môn, Gia Ðịnh) nhận định: “Nhật sẽ xâm chiếm Đông Dương và Pháp sẽ đầu hàng Nhật, cách mạng Đông Dương sẽ bùng nổ; do vậy, phải đoàn kết thực hiện bằng được nhiệm vụ chính cốt là đánh đổ đế quốc, giải phóng dân tộc; chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp, giai cấp, dân tộc và các cá nhân yêu nước.”

Tinh thần Nghị quyết đã sớm đi vào đảng viên, quần chúng. Phong trào cách mạng ở Nam Kỳ ngày càng phát triển mạnh mẽ, liên tiếp diễn ra nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, đấu tranh. Đặc biệt là các cuộc đấu tranh chống bắt lính diễn ra mạnh mẽ kể từ khi thực dân Pháp bắt thêm lính Việt Nam đem sang chiến trường biên giới Ai Lao (Lào) – Cao Miên (Campuchia) để chống Xiêm (Thái Lan). Khí thế chiến đấu diễn ra hầu khắp Nam Kỳ, đặc biệt là ở Mỹ Tho, Vĩnh Long, Long Xuyên, Chợ Lớn, Gia Định, Tân An, Vũng Tàu, Trà Vinh…

Trên cơ sở đó, tháng 3/1940, Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư thảo ra Đề cương chuẩn bị bạo động. Từ tháng 7 đến tháng 10/1940, Ðảng bộ Nam Kỳ liên tiếp tổ chức nhiều cuộc họp để bàn chủ trương và gấp rút lãnh đạo Nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, thông qua Đề cương; chủ trương thành lập Ban Chỉ huy và Ban Quân sự các cấp; xác định hình thức chính quyền, quốc kỳ, khẩu hiệu; vạch các chính sách đối với Nhân dân…

DIỄN BIẾN, KẾT QUẢ CUỘC KHỞI NGHĨA NAM KỲ
Đầu năm 1940, Đồng chí Tạ Uyên được điều về tham gia Xứ ủy Nam Kỳ, được phân công phụ trách công tác binh vận và trực tiếp phụ trách vùng Hậu Giang. Ở cương vị này, ông đã đến các trại lính của địch ở Sài Gòn, Chợ Lớn nghiên cứu tình hình, tìm cách gây dựng cơ sở.Từ ngày 21 đến ngày 27/7/1940, thay đồng chí Võ Văn Tần – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ – bị địch bắt ngày 21/4/1940, ông triệu tập Khoáng đại Hội nghị toàn Xứ (Hội nghị toàn Xứ mở rộng) tại xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho với sự tham gia của 24 đại biểu thuộc 19 trong số 21 tỉnh của Nam Kỳ. Hội nghị đã quán triệt tinh thần và nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu của Trung ương Đảng, xem xét thêm tình hình quốc tế và trong nước, thảo luận về tình hình địch và tình hình ta, chuẩn bị khởi nghĩa. Hội nghị quyết định cần khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa. Cùng với việc chuẩn bị lực lượng, một số cơ quan cần thiết trong khởi nghĩa như Ban Tham mưu, Ban Phá hoại, Ban Giao thông, Ban Tuyên truyền, Ban Quân báo, Ban Địch vận được hình thành gấp rút và bắt tay vào công việc. Hội nghị đã bầu đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư Xứ ủy thay đồng chí Võ Văn Tần.

Nhà bà Năm Dẹm (Lê Thị Lợi), nơi Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ tháng 7 năm 1940, bàn về
cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ.

Từ ngày 21 đến 23/9/1940, đồng chí Tạ Uyên triệu tập cuộc họp Xứ ủy (mở rộng) tại Xuân Thới Đông, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, có đồng chí Phan Đăng Lưu – Ủy viên Trung ương Đảng dự. Nối tiếp Hội nghị Tân Hương tháng 7/1940, Hội nghị đã vạch đường hướng cho cuộc khởi nghĩa, chọn Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn làm trọng điểm và là nơi phát lệnh khởi nghĩa cho toàn Nam Kỳ. Sau khi phân tích tình hình quần chúng, tình hình địch, Hội nghị đánh giá tình hình chủ quan của cách mạng, lực lượng đội tiền phong còn tương đối yếu, tổ chức chưa được củng cố sau mấy đợt khủng bố; phong trào quần chúng chưa mạnh, điều kiện chủ quan chưa chín muồi. Tuy nhận định như trên, nhưng Hội nghị cho rằng nếu không khởi nghĩa thì có hại vì ta lùi bước quần chúng sẽ xa rời Đảng, Đảng sẽ mất tín nhiệm với quần chúng; Pháp và Nhật sẽ lợi dụng đẩy mạnh âm mưu chia rẽ nội bộ, làm cho cách mạng tan rã… Cuối cùng, Hội nghị kết luận sẽ khởi nghĩa; tất cả các cấp bộ Đảng phải nghiêm túc thực hiện chủ trương của Xứ ủy. Đồng chí Tạ Uyên phụ trách chung và được phân công trực tiếp phụ trách Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn.

Lược đồ khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940.

Ðến giữa tháng 11/1940, trước tinh thần đấu tranh của quần chúng, đặc biệt là tinh thần phản chiến của binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay Nhân dân. Ngày 21/11/1940, Thường vụ Xứ ủy ra thông báo cho các cấp bộ Đảng nhất loạt phát động Nhân dân nổi dậy vào lúc 24 giờ ngày 22/11/1940. Thời điểm hành động nhất loạt ở các tỉnh Nam Kỳ là lúc 0 giờ ngày 22, rạng 23/11/1940, hiệu lệnh là đèn Sài Gòn tắt hoặc có tiếng súng nổ.

Đình Ấp Vuông (xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh), nơi phát ra tiếng nổ trong đêm 22 rạng 23 tháng 11 năm 1940 kêu gọi nhân dân trong ấp tham gia Nam kỳ Khởi Nghĩa

Hội nghị Trung ương Ðảng họp tại Ðình Bảng (Bắc Ninh) từ ngày 6 đến 9/11/1940 nhận định điều kiện khởi nghĩa ở Nam Kỳ và trong cả nước chưa chín muồi, đề nghị Xứ ủy Nam Kỳ chưa nên phát động khởi nghĩa. Trung ương phái đồng chí Phan Đăng Lưu trở về truyền đạt quyết định của Trung ương cho Xứ ủy Nam Kỳ. Nhưng khi đồng chí Phan Ðăng Lưu về tới Sài Gòn thì lệnh khởi nghĩa đã ban hành tới các địa phương không thể thu hồi; một số cán bộ chủ chốt của Xứ ủy đã bị địch bắt, Cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra theo kế hoạch.

Trong hai ngày 15 và 16/11/1940, đồng chí Tạ Uyên chủ trì cuộc họp của Xứ ủy tại một địa điểm bí mật ở Hóc Môn. Mặc dù trong thảo luận vẫn còn ý kiến cho rằng tình hình chưa chín muồi cho khởi nghĩa, nhưng theo ý kiến của số đông, Hội nghị quyết định hạ lệnh khởi nghĩa và giao cho Ban Thường vụ quyết định ngày, giờ khởi nghĩa.

Ngày 20/11/1940, đồng chí Tạ Uyên và Ban Thường vụ Xứ ủy họp khẩn cấp quyết định khởi nghĩa sẽ nổ ra vào 24 giờ đêm 22/11/1940 và lệnh khởi nghĩa sẽ được phát đi từ Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn. Đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy kiêm Trưởng ban khởi nghĩa Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn đã chỉ đạo rất tỉ mỉ việc xây dựng kế hoạch khởi nghĩa, các mặt công tác chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa tại Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn. Sáng ngày 22/11/1940, Tạ Uyên còn gặp đồng chí Nguyễn Như Hạnh, Bí thư Thành ủy để phổ biến chủ trương triệu tập Hội nghị Thành ủy mở rộng vào 12 giờ trưa ngày 22 để phổ biến lệnh khởi nghĩa.

Do sự phản bội của tên Huy (tức Quới) – một đảng viên đầu hàng địch, 16 giờ cùng ngày, đồng chí Tạ Uyên cũng bị địch bắt, tại 160 đường D’Ayot (nay là đường Nguyễn Thái Bình, Quận 1).

Ngay sau khi bắt được đồng chí Tạ Uyên, địch đưa ông về Sở Cảnh sát tra tấn ngay. Mặc dù địch đã dùng mọi cực hình dã man, đồng chí Tạ Uyên vẫn giữ vững bản lĩnh cách mạng, bảo vệ bí mật của Đảng, bảo vệ đồng chí của mình. Kiệt sức vì địch tra tấn liên tục, đồng chí Tạ Uyên hy sinh ngày 10/12/1940.Từ một thanh niên nhiệt thành yêu nước, sớm tham gia Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, trở thành người cộng sản trong tổ chức tiền thân của Đảng, là một trong 3 Bí thư chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Ninh Bình, bị địch cầm tù nơi địa ngục trần gian Côn Đảo, đồng chí Tạ Uyên được tôi luyện cả về bản lĩnh, ý chí cách mạng và trí tuệ, thoát khỏi nhà tù đế quốc về Nam Kỳ tiếp tục đóng góp cho cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc. Đồng chí đã làm hết mình trong việc xây dựng củng cố tổ chức Đảng ở các tỉnh Nam Kỳ, trở thành người đứng đầu Xứ ủy Nam Kỳ đúng vào lúc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940.

Chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi Thường vụ Xứ uỷ ra Đề cương chuẩn bị bạo động (tháng 3/1940), công tác chuẩn bị khởi nghĩa được triển khai rất khẩn trương; các tổ chức phản đế xuất hiện nhiều nơi, nhất là ở vùng nông thôn. Mít tinh, biểu tình liên tiếp nổ ra. Nhiều nơi địch đến đánh phá, Nhân dân nổi trống mõ, uy hiếp địch, bảo vệ cán bộ. Các đội tự vệ, du kích phát triển ngay trong những xí nghiệp lớn ở Sài Gòn như Ba Son, nhà máy đèn Chợ Quán, trường Bách Nghệ… Ở nông thôn, phần lớn các xã đều có từ một tiểu đội đến một trung đội du kích. Các cơ sở sản xuất vũ khí làm việc suốt ngày đêm. Nhân dân quyên góp kim khí để đúc đạn; xuất hiện những cơ sở làm bom, lựu đạn xi măng, súng thô sơ ở Móp Xanh (Tân An), Bà U (Mỹ Tho), chùa Hòa Thượng Đồng (Rạch Giá)… Phong trào chống chiến tranh, chống bắt lính với khẩu hiệu “không một đồng xu, không một người lính cho đế quốc chiến tranh” ngày càng lan rộng. Công tác binh vận được tổ chức ráo riết, phần lớn trong số 15.000 binh lính người Việt trong quân đội Pháp đóng ở Sài Gòn sẵn sàng phối hợp nổi dậy.

Tuy nhiên, vì kế hoạch khởi nghĩa bị địch biết trước nên chúng lùng sục bắt bớ, giữ binh lính người Việt ở trong trại, tước vũ khí của binh lính phản chiến. Dù vậy, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch vào đêm 22 rạng sáng 23/11/1940.

Đêm 22, rạng sáng ngày 23/11/1940, cả Nam Kỳ rung chuyển dưới sức nổi dậy của quần chúng cách mạng. Cuộc khởi nghĩa nổ ra ở 20/21 tỉnh, thành phố ở Nam Kỳ, kéo dài từ đêm 22 rạng sáng 23/11 đến ngày 31/12/1940, mạnh nhất là ở Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long.

Khởi nghĩa bùng nổ đồng loạt tại hầu hết các tỉnh Nam Kỳ với tinh thần quyết liệt, mạnh nhất là ở Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long… Lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy tiến công địch ở các xã, tập kích nhiều đồn bốt, tiến đánh một số quận lỵ, phá hỏng nhiều cầu, đường… Tại một số xã, quận, chính quyền địch hoang mang, tan rã, chính quyền cách mạng được thành lập. Lần đầu tiên cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở những nơi đã thành lập chính quyền cách mạng và trong nhiều cuộc biểu tình. Bọn phản cách mạng bị xét xử. Ruộng, thóc của địa chủ phản động được chia cho dân cày nghèo.

Ở Hóc Môn, dưới sự chỉ huy của đồng chí Mười Đen – Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, quân du kích và hàng nghìn đồng bào kéo đến vây công đồn, chặn đánh địch tiếp viện ở Cầu Bông, giết chết tên Chánh xứ tỉnh Tây Ninh, thu được hơn chục súng trường. Do quân của địch kéo đến nhiều, du kích không chiếm được đồn, tạm rút lên Truông Mít, Tây Ninh.

Cầu Thầy Thưởng, đường rút quân của các chiến sĩ Nam Kỳ Khởi Nghĩa sau khi đánh Dinh quận Hóc Môn ngày 23 tháng 11 năm 1940.

Tại Chợ Lớn, du kích tập trung ở Đức Hoà, Trung Quận, Cần Giuộc, mỗi nơi khoảng 400 đến 500 người. Ở Đức Hoà, quân du kích đánh tan toán lính địch tại Giồng Đa, giết chết tên đầu sỏ phản động. Tại Trung Quận, du kích cùng Nhân dân diệt tề, trừ gian, lập chính quyền cách mạng ở các xã dọc hai bên đường xe lửa. Ở Bến Lức, quân du kích dùng mưu dụ lính ra khỏi đồn, xông vào chiếm đồn lấy súng. Tại Cần Giuộc, du kích Nguyễn Thị Bẩy, Tỉnh uỷ viên chỉ huy, cùng Nhân dân đánh chiếm trụ sở hội tề, tịch thu sổ sách, bằng triện, lập chính quyền cách mạng ở các xã Phước Lai, Phước Vĩnh Đông, Tân Lập, Long Hậu, Long Đức.

Tại Vĩnh Long, quân du kích Vũng Liêm đánh chiếm quận lỵ, công đồn. Quân địch hoảng sợ bỏ chạy, nghĩa quân lập Ủy ban cách mạng và giữ được đồn trong ba ngày.

Tại Tân An và Mỹ Tho, các xã thuộc hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông và hai bên bờ sông Vàm Cỏ Tây, chính quyền đều về tay Nhân dân. Hàng nghìn du kích dưới sự lãnh đạo của Bí thư Tỉnh uỷ Mỹ Tho đã tiến đánh nhiều nơi, mở rộng vùng giải phóng. Chỉ tính riêng hai quận Châu Thành và Cai Lậy, ta đã giải phóng được 54/56 xã. Lo sợ trước phong trào nổi dậy ở Mỹ Tho, ngày 14/12/1940 địch phải dùng thủy, lục, không quân tiến công nhưng mãi đến 14/1/1941 chúng mới chiếm lại được các đồn, bốt. Trong tình thế đó, quân du kích tạm rút vào Đồng Tháp Mười. Mỹ Tho là nơi giữ được chính quyền lâu nhất.

Mái đình Long Hưng, nơi cơ quan tỉnh Mỹ Tho đóng trong những ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ.
Đồng chí Nguyễn Thị Thập về thăm Tiền Giang và nói chuyện về diễn tiến cuộc Khởi nghĩa
Nam Kỳ ở tỉnh Mỹ Tho.

Ngay từ khi được tin Nam Kỳ khởi nghĩa, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra thông báo khẩn cấp, chỉ thị cho các địa phương “chia lửa” với Nam Kỳ. Từ việc rải truyền đơn, bãi khóa, bãi thị đến việc phát động du kích, nếu có điều kiện phá đường, cầu cống ngăn quân thù đàn áp. Nhưng thực dân Pháp khủng bố khốc liệt, càn quét các vùng khởi nghĩa, tiêu diệt chính quyền cách mạng, cho máy bay dội bom xuống làng mạc, thôn xóm. Tính từ ngày 22/11 đến ngày 31/12/1940, thực dân Pháp gây ra hơn 5.000 vụ bắt bớ; hàng ngàn người bị xử tử, tù đày, tra tấn vô cùng tàn bạo.

Tháng 12/1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp ở Bà Quẹo (Gia Định) quyết định rút lui cuộc khởi nghĩa để tránh tổn thất, đưa lực lượng còn lại xây dựng căn cứ U Minh và Đồng Tháp Mười.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị dập tắt. Thực dân Pháp nhân cơ hội này xử bắn nhiều đồng chí cán bộ kiên trung của Ðảng bị bắt từ trước khởi nghĩa, như: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Phan Ðăng Lưu…

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra từ giữa đêm 22 rạng ngày 23-11 cho đến ngày 31-12-1940. Đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang có quy mô rộng lớn và mạnh mẽ nhất kể từ lúc giặc Pháp xâm lược nước ta năm 1858 đến năm 1940
Ngày 23-11-1940, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ ở nhiều tỉnh Nam Bộ. Cùng với Khởi nghĩa Bắc Sơn, Khởi nghĩa Nam Kỳ là “những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc”, là cuộc tổng diễn tập lần thứ hai cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ý NGHĨA LỊCH SỬ

Diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm lục tỉnh Nam Kỳ năm 1867 đến thời điểm đó. Tuy thất bại nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ có ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Nhân dân ta.

Từ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, nhiều cán bộ của Đảng được rèn luyện, thử thách. Sau khởi nghĩa, một đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành với lý tưởng của Ðảng, gương mẫu chiến đấu hy sinh vì quyền lợi của dân tộc, của Nhân dân đã trưởng thành và đảm đương những trọng trách mà Đảng ta giao phó về sau. Từ đây, có hàng vạn quần chúng Nhân dân yêu nước được thử thách trong đấu tranh, tiếp tục đi theo Ðảng thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc tiến tới giành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945.

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ mang tính chất một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tính nhân dân rộng rãi và sâu sắc. Đó là minh chứng sinh động cho chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu của Ðảng với phương pháp đấu tranh vũ lực là hoàn toàn đúng đắn và sáng tạo. Ðồng thời, khởi nghĩa Nam Kỳ cũng là cơ sở thực tiễn để Đảng ta hoàn thiện con đường chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Từ kinh nghiệm các cuộc khởi nghĩa ở Bắc Sơn, Nam Kỳ, binh biến Ðô Lương, Đảng đã có những bước đi cẩn trọng, chu đáo trong đánh giá, xác định thời cơ, chuẩn bị lực lượng… đi tới giải phóng toàn dân tộc.

Khởi nghĩa Nam Kỳ không thành công vì chưa hội đủ những yếu tố khách quan, chủ quan, nhưng hào khí Nam Kỳ khởi nghĩa, sự hy sinh của đồng chí Tạ Uyên và biết bao chiến sĩ cộng sản đã viết nên trang sử vẻ vang, hào hùng của Nam Bộ kiên cường, truyền thống kiên trung, bất khuất của những người cộng sản, tiếp sức cho ngọn lửa cách mạng trong Cách mạng Tháng Tám và sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.

Khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc nổi dậy kế tục và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc ta, chiến đấu dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là một trang sử oanh liệt và đau thương của nhân dân Nam bộ, những người đã đứng lên chấp nhận hi sinh quyết giành lại độc lập cho xứ sở, dưới ngọn cờ của những người cộng sản. Qua cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, đảng viên và quần chúng cách mạng được tôi luyện, được thử thách và trưởng thành. Sự đàn áp hết sức dã man và tàn bạo của kẻ thù làm nổi bật lên sự dũng cảm của nhân dân, sự hi sinh anh dũng của cán bộ đảng viên ở Nam Kỳ. Khởi nghĩa Nam Kỳ là biểu trưng cho tầm vóc to lớn và uy tín sâu rộng của Đảng đối với nhân dân Nam Kỳ trong suốt quá trình vận động cách mạng, từ cấp Xứ, đến các tỉnh ủy, các chi bộ và từng đảng viên, thể hiện được tinh thần cách mạng tiến công của Đảng, tinh thần quật khởi của dân tộc ta. Tinh thần chiến đấu anh dũng của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta. Cuộc khởi nghĩa để lại cho Ðảng ta nhiều bài học quý giá, nhằm chuẩn bị các bước cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước sau đó năm năm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá  ghi nhận sự anh dũng, tinh thần quả cảm của nhân dân Nam Kỳ,Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ “là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu tranh đấu bằng võ lực của các dân tộc ở một nước Ðông Dương”. Cuộc khởi nghĩa đã thể hiện sức mạnh quật khởi, lòng tin tưởng và sẵn sàng hy sinh của Nhân dân các tỉnh Nam Bộ trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Chính vì lẽ đó ngày 14-3-1948, thay mặt Trung ương Ðảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký  Sắc lệnh 163-SL tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất – Huân chương cao quý lúc bấy giờ cho quân, dân Nam Bộ, vì đã nêu cao tinh thần quả cảm, anh dũng làm nên cuộc khởi nghĩa và mãi mãi được coi là những trang sử chói ngời, thể hiện ý chí đấu tranh anh hùng bất khuất của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đó là sự khắc ghi của dân tộc đối với công lao và sự hy sinh của quân và dân Nam Kỳ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 163-SL tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất – Huân chương cao quý lúc bấy giờ cho quân, dân Nam Bộ do đ/c Tạ Uyên lãnh đạo.

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tuy thất bại nhưng đã có tiếng vang lớn, chẳng những trong nước mà còn làm nức lòng cả những chiến sĩ cách mạng ở Pháp. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Đảng Cộng sản Pháp đã gửi đến Đảng Cộng sản Đông Dương một bức thư, trong đó có đoạn: “…Chúng tôi cúi đầu trước vong linh những người chiến sĩ đấu tranh cho tự do đã hy sinh hồi tháng 11 dưới súng liên thanh của Decoux, Beaudouin, Pétain… Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước những người anh hùng đó, đặc biệt chúng tôi nghiêng mình trước những anh chị em ruột thịt anh hùng là đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương”.

Với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, từ trong quá trình chuẩn bị và diễn ra, lần đầu thiết chế “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” được đề cập trong truyền đơn rải ở thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn và tiêu ngữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc” được viết trên các băng zôn treo trước trụ sở các ủy ban cách mạng ở Long Hưng, Vĩnh Kim (Mỹ Tho). Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh xuất hiện trong khởi nghĩa Nam Kỳ đã trở thành biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân, biểu tượng của tinh thần và ý chí đấu tranh cách mạng của Nhân dân. Cờ đỏ sao vàng năm cánh sau đó đã được Ðảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn làm biểu tượng của Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh và đến ngày 9/11/1946 được ghi chính thức trong Hiến pháp, thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ hai (khóa I).

BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Khởi nghĩa Nam Kỳ là thực tiễn sinh động về phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân và để lại những bài học quý báu, đó là:

Một là, bài học về cụ thể hóa đường lối của Đảng phù hợp với thực tiễn địa phương, phải đặt địa phương trong mối tương quan với cả nước và có sự phối hợp khởi nghĩa giữa các địa phương trong cả nước. Một trong những nguyên nhân thất bại của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ là vì chưa được đặt trong sức mạnh chung của toàn quốc.

Hai là, bài học về công tác chuẩn bị các điều kiện cần và đủ cho một cuộc khởi nghĩa nổ ra có thể giành được thắng lợi, đặc biệt là chuẩn bị về lực lượng chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang và khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh du kích, xây dựng và kiểm tra kế hoạch, phát hiệu lệnh khởi nghĩa.

Ba là, bài học về xây dựng đội quân chủ lực, xác định rõ các lực lượng phối hợp của cuộc khởi nghĩa và đánh giá đúng vai trò của các lực lượng. Lực lượng vũ trang của binh lính là quan trọng nhưng quyết định vẫn là quần chúng công nông.

Bốn là, bài học về việc giữ vững sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và quần chúng; không ngừng xây dựng lực lượng cách mạng trong quần chúng; khơi dậy và nhân lên sức mạnh vĩ đại từ sự đồng tâm, hiệp lực của quần chúng.

Năm là, bài học về tính khoa học của kế hoạch lãnh đạo khi tiến công và thoái thủ; dự trù các phương án thắng – thua và khả năng giải quyết nếu khởi nghĩa thất bại; kế hoạch rút lui bảo toàn cơ sở và lực lượng.

PHÁT HUY TINH THẦN NAM KỲ KHỞI NGHĨA TRONG CÔNG CUỘC XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Phát huy tinh thần và những bài học kinh nghiệm của Cuộc khởi nghĩa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các cấp, các ngành cần nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đất nước, trọng tâm là:

– Tập trung xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, nhất là không ngừng nâng cao trí tuệ, năng lực hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược cách mạng khoa học và sáng tạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng giai đoạn đổi mới. Nghiên cứu, phân tích, nhận định tình hình thế giới và trong nước, nắm chắc, tận dụng thời cơ đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

– Không ngừng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân thành nguồn sức mạnh và động lực to lớn để tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh tổ chức các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và cả nước trong từng thời kỳ nhằm tích cực phát huy vai trò của quần chúng Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

– Tăng cường củng cố, xây dựng lực lượng quốc phòng – an ninh vững chắc, trong đó chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng; đồng thời, chú trọng công tác bảo vệ bí mật Nhà nước, kịp thời phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa các hoạt động phá hoại, đánh cắp thông tin, bí mật nhà Nước của các thế lực thù địch, phản động, gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

MỘT GIA ĐÌNH GIÀU TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG
Thời gian trước khi ông bị đi đầy ra Côn Đảo ngày 18/6/1930, ông đã kết hôn với bà Vũ Thị Trà và sinh được 3 người con: người con cả là Tạ Xuân Hồng(1918), bà và người con thứ hai là Tạ Trạch mất năm 1945, người con thứ ba là Tạ Quán mất hồi còn nhỏ.

Trong thời gian từ năm 1935-1940, khi vượt ngục khỏi nhà tù Côn Đảo, ông hoạt động cách mạng tại khu vực Nam bộ; trong thời  gian này ông đã gây dựng được nhiều cơ sở cách mạng và kết nạp nhiều cán bộ Đảng viên trong đó có đồng chí Võ Văn Kiệt (sau này là Thủ tướng của nước CHXHCNVN) được đồng chí Tạ Uyên giới thiệu kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương 10/1938, làm Bí thư chi bộ xã, Huyện ủy viên và tham gia khởi nghĩa Nam kỳ ở huyện Vũng Liêm; chỉ huy mũi khởi nghĩa thứ 3 đánh chiếm bến phà Nước Xoáy, ngăn địch từ Vĩnh Long xuống cứu viện.

Bút tích của thủ tướng Võ Văn Kiệt xác nhận việc bí thư xứ ủy Nam Kỳ-Tạ Uyên kết nạp vào
Đảng Cộng Sản Đông Dương.

Trong thời gian hoạt động tại tỉnh Vĩnh Long thời gian đầu ông ở nhà cụ Bành Thị Vàng. Gia đình cụ coi ông như con cái trong nhà. Bà Võ Thị Huấn con gái cụ Vàng được đồng chí Tạ Uyên tuyên truyền giác ngộ và đã tham gia hoạt động cách mạng cùng ông. Bà Võ Thị Huấn đã đem lòng yêu ông-người chiến sĩ cộng sản kiên trung say đắm; một người đã hiến dâng cả đời mình cho cách mạng, cho tổ quốc. Trong thời gian này, ông cũng không có tin tức gì về vợ con ở quê nhà vì phải liên lụy khi ông tham gia cách mạng bị giặc Pháp đày đi biệt xứ ra Côn Đảo, lòng ông bồi hồi xúc động nhớ đến cha, mẹ, vợ con, người thân, đồng chí…nhưng vì đất nước vẫn bị nô lệ, khủng bố khắp nơi, Nam Bắc không thể liên lạc, đất nước chưa được tự do, độc lập…nhiều người đã động viên ông nên lấy vợ,chăm sóc ông lúc ốm đau, bệnh tật…là hậu phương vững chắc để ông tiếp tục con đường đã chọn. Cuối cùng ông đã đồng ý kết hôn với bà Võ Thị Huấn nhờ tổ chức, nhân dân và ông già Chánh vun vén cho hai người được nên vợ chồng.

Ông bà cùng tham gia hoạt động cách mạng và có 2 người con: Tạ Tú Xuân ( con gái ) sinh năm 1938, Tạ Tiến Dũng (con trai) sinh năm 1940. Sau khởi nghĩa Nam kỳ, bà Võ Thị Huấn bị giặc bắt, tra tấn dã man và tống bà vào tù cùng cậu con trai-Tạ Tiến Dũng được mẹ ẵm vào tù và bị bệnh chết. Còn cô con gái Tạ Tú Xuân được bà con giấu trốn thoát, nuôi nấng đến trưởng thành may mắn sống đến ngày thống nhất đất nước. Đúng như câu thơ của Tố Hữu đã viết về người chiến sĩ cách mạng :

“Đời cách mạng từ khi tôi thấu hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề cổ,súng kề vai
Là thân sống chỉ còn một nửa”.

Ngoài 2 người con đẻ ra, ông còn có 2 người con nuôi: Người con nuôi thứ nhất-Cô bé Liên (Nguyễn Thị Liên) bí danh là Hai Bông Bê còn sống, là tỉnh ủy viên Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long, đã về hưu ở thị xã Vĩnh Long.Người con nuôi thứ hai-Tạ Bửu: Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vĩnh Long (23/11/1940), bọn thực dân Pháp và tay sai khủng bố trắng, chúng tổ chức càn quét căng tay ngoài đồng truy lùng, bắt bớ, bắn giết tù đày người yêu nước.Các cấp ủy của tỉnh lớp bị bắt, lớp bị phân tán lẩn tránh nhiều nơi khác, nhiều chi bộ tan rã. Đồng chí Thái Văn Đẩu- Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- bị địch bắt đánh chết trong tù. Cơ sở cách mạng gặp nhiều khó khăn.Theo báo cáo của Liên tỉnh ủy Hậu Giang tháng 6/1941, Liên tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức cuộc họp tại cánh đồng Mốp Giăng (Ba Thê thuộc huyện Châu Thành- Rạch Giá) do đồng chí Bùi Văn Dự làm Bí thư chủ trì đã cử đồng chí Tạ Bửu (tức Bé Bửu, Bé Con được mang họ Tạ- con nuôi của đồng chí Tạ Uyên) làm Bí Thư Tỉnh ủy Vĩnh Long thay đồng chí Thái Văn Đẩu hy sinh.

Tháng 9/1941, trong cuộc họp Liên tỉnh ủy Hậu Giang tại cống Cây Dương (Long Xuyên), đồng chí Tạ Bửu được bổ sung ủy viên Liên tỉnh ủy Hậu Giang tiếp tục làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long.Hội nghị rút kinh nghiệm cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ còn non, tổn thất nhiều, cần rút kinh nghiệm và nghiên cứu chuyển hướng cách mạng sang phương thức đấu tranh mới để tránh bọn mật thám theo dõi bắt bớ.Đối với tỉnh Vĩnh Long, đồng chí Tạ Bửu chỉ đạo tập trung vạch trần tội ác của địch, nêu cao lòng yêu nước, tích cực vận động quần chúng ủng hộ cách mạng, tổ chức rải truyền đơn tuyên truyền chủ trương của Đảng, tích cực bồi dưỡng phát triển đảng viên mới, liên hệ móc nối các đầu mối cơ sở bị gián đoạn.

Cuối năm 1942, tình hình cách mạng chuyển lên khá rõ nét so với đầu năm. Các địa phương Trà Côn, Vĩnh Xuân (Trà Ôn), Ba Chùa, Mỹ Thạnh Trung (Tam Bình) và huyện Vũng Liêm số đảng viên phát triển từ 12 chi bộ tăng 31 chi bộ, từ 70 đảng viên tăng 500 đảng viên, nắm quần chúng cũng tăng gấp 5 lần. Tại cù lao Ông Chưởng (xã Mỹ Hội, Long Xuyên), Liên tỉnh ủy Hậu Giang họp đánh giá tình hình và đề ra nhiệm vụ mới để lãnh đạo phong trào. Tình hình chuyển biến có chiều hướng thuận lợi. Đồng chí Tạ Bửu được đề bạt Phó Bí thư Liên tỉnh ủy Hậu Giang, tiếp tục làm Bí thư Vĩnh Long và phụ trách 2 tỉnh Cần Thơ và Trà Vinh vì lãnh đạo 2 tỉnh này bị địch bắt chưa có người thay.Tháng 3/1943, trên đường đi hội nghị Liên tỉnh ủy Hậu Giang, khi đến Trà Côn (Trà Ôn), đồng chí Tạ Bửu bị bệnh nặng, phần bị địch truy nã gắt gao, cơn bệnh đã cướp đi sinh mạng người Bí thư Tỉnh ủy tuổi vừa tròn 22 tràn đầy ý chí và nghị lực cách mạng.

ĐỜI ĐỜI GHI NHỚ CÔNG ƠN NGƯỜI ANH HÙNG DÂN TỘC TẠ UYÊN
Để tưởng nhớ sự hy sinh và công lao đóng góp của ông cho sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng, Nhà Nước và nhân dân. Tên ông đã được đặt cho nhiều con đường ở TPHCM, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), TP Tam Điệp, TP Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình). Huyện Yên Mô đã đặt tên ông cho một Trường Trung học phổ thông. Nhà tưởng niệm Tạ Uyên được xây dựng tại xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt(người thứ 4 từ trái sang), ôngTô Xuân Toàn-Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình(người thứ 5 từ trái sang),ông Hà Trí Thức-Chủ tịch tỉnh Ninh Bình(người thứ 6 từ trái sang, bà Tạ Thị Cam-em ruột cụ Tạ Uyên(người thứ 4 từ trái sang), ông Tạ Hồng Xuân-con cả cụ Tạ Uyên(người ngồi thứ 3 từ trái sang), ông Tạ Danh Phái-cháu nội cụ Tạ Uyên(người đứng thứ 2 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng bà con quê hương Bí thư xứ ủy Nam kỳ-Tạ Uyên năm 2002.

Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại, nhưng đã góp phần xứng phần xứng đáng vào thắng lợi chung của dân tộc: Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tên tuổi Tạ Uyêntầm vóc và ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã đi cùng dân tộc trong suốt hai cuộc trường chinh chống Pháp và chống Mỹ, đặc biệt là nhân dân Nam bộ “Thành đồng Tổ quốc” và sẽ tiếp tục đồng hành cùng đất nước ta trên con đường xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đại tướng Trần Đại Quang cắt băng khánh thành nhà Thờ Tạ Uyên 29/1/2013
Nhà thờ cụ Tạ Uyên (Xóm 1-Yên Mỹ, Yên Mô-Ninh Bình)
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ chính trị Ban chấp hành TW Đảng-Bộ trưởng Bộ công an cùng các lãnh đạo TW và lãnh đạo tỉnh NB, huyện Yên Mô chụp ảnh lưu niệm trong buổi lễ cắt băng khánh thành nhà thờ cụ Tạ Uyên
Quang cảnh nhà thờ cụ Tạ Uyên
Trao Bằng xếp hạng Di tích cấp thành phố
Đại tướng Trần Đại Quang viết lưu niệm
Đại tướng Trần Đại Quang trồng cây lưu niệm tại nhà thờ
Cố Đại tướng Trần Đại Quang chụp ảnh lưu niệm
Trường Trung Học Phổ Thông Tạ Uyên – Thị Trấn Yên Thịnh-Yên Mô-Ninh Bình

Tạ Ngọc Nam – BLSHTVN sưu tầm và biên soạn theo báo: nhân dân, báo dân trí, tạp chí cộng sản,…và một số hình ảnh và tư liệu của ông Tạ Danh Phái (cháu nội cụ Tạ Uyên) 27/7/2021.
P/S : Rất mong được sự đóng góp ý kiến của bà con họ Tạ cả nước để BLSHTVN ngày càng hoàn thiện. Thư gủi về qua địa chỉ email : banlichsuhotavietnam@gmail.com

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Enter your keyword