Sơ lược lịch sử và phát triển

LỊCH SỬ VÀ NHÂN VẬT

Quá trình lịch sử phát triển của nhân loại qua các thời kỳ, việc di cư tự nhiên theo bản năng sinh tồn của các dòng người từ vùng này đến vùng kia là điều tất yếu. Các bộ tộc trong đó có bộ tộc họ Tạ của người Bách Việt sinh sống dọc theo châu thổ sông Hồng và di cư rải rác khắp các vùng rộng lớn của Bách Việt.
Vùng lãnh thổ Bách Việt:

  • Phía Đông giáp Nam Hải (Biển Đông)
  • Phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên TQ ngày nay)
  • Phía Bắc tới Hồ Động Đình (Hồ Nam TQ ngày nay)
  • Phía Nam tới Hồ Tôn Tĩnh (Vương quốc Chăm-Pa cổ – Nghệ An – Hà Tĩnh của Việt Nam ngày nay)

Đây là địa giới hành chính nhà nước đầu tiên ở kỷ Hồng Bàng của cư dân Bách Việt. Trải qua những diễn biến trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, nền chính trị, bộ máy quản lý nhà nước và địa giới hành chính tới nay đã thay đổi nhiều lần…

Họ Tạ Việt Nam
Là một dòng họ hình thành và phát triển từ thời tiền sử – Họ Tạ là một bộ phận của tộc người Bách Việt từ Kỷ Hồng Bàng, cư dân sinh sống ở khắp các vùng trên lãnh thổ rộng lớn của người Bách Việt. Trải qua mấy ngàn năm với bao thăng trầm biến đổi của lịch sử dân tộc, những cư dân của Họ Tạ giờ đây, phát triển và sinh sống ở hầu hết các địa phương thuộc 63 tỉnh thành trên cả nước và ở nhiều nước trên thế giới.
Cùng với trăm họ trong cộng đồng người Bách Việt, các bậc tiền nhân Họ Tạ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí dũng cảm, góp sức cùng chung tay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ giang sơn, xã tắc, những tấm gương hào kiệt đã tô thắm sử vàng của dân tộc để cho non sông ta, đất nước ta mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Qua nghiên cứu các công trình tâm linh, những di chỉ khảo cổ, các sắc phong, thần phả, ngọc phả, văn bia, khánh đá còn lưu giữ cùng với các tài liệu lịch sử cũng như các công lao to lớn của các bậc tiền nhân Họ Tạ Việt Nam đối với Quốc Gia, Dân tộc đã khắc sâu trong tâm trí của nhân dân, được lưu truyền từ đời này qua đời khác và đã trở thành truyền thuyết lưu lại trong kho tàng văn hóa dân gian suốt hàng nghìn năm qua. Chúng ta có đủ cơ sở để khẳng định rằng: Họ Tạ Việt Nam là một tổ chức dòng họ cổ xưa với sự hình thành từ thuở sơ khai (kỷ Hồng Bàng), người Họ Tạ trong suốt hàng nghìn năm qua đã tham gia bảo vệ và dựng xây giang sơn, xã tắc vì sự ấm no và bình yên của cả dân tộc – Để hôm nay và lớp lớp kế thừa mai sau được quyền tự hào và mãi mãi khắc sâu trong tim niềm tự hào về lịch sử và truyền thống của dòng họ Tạ Việt Nam với những tấm gương hào kiệt đã tô thắm sử vàng của dân tộc và làm rạng danh dòng họ.

Là những bậc viễn Tổ đầu tiên được biết đến của dòng họ Tạ Việt Nam – Ngũ vị Đại Vương và Nhị Vị Thánh Mẫu – Viễn tổ Họ Tạ từ triều đại Hùng Vương thứ VI thời Hùng Huy Vương (雄暉王)(1712-1632 Tr.CN) (theo thần tích của Phủ Điềm) – Bảy anh em là con của Cụ ông Tạ Quang Công và Cụ bà Trần Thị – quê ở Từ Sơn phủ, An Phú huyện, An Phụ xã – Các ngài đã có công đánh đuổi giặc Ân xâm lược, giữ yên bờ cõi, dạy cho nhân dân cách trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm, dệt vải và buôn bán giao thương phát triển kinh tế… với những công lao đó triều đình đã ban thưởng và phong Vương cho cả 5 anh em, hai người em gái sau khi thác được nhân dân suy tôn là Thánh Mẫu. Đây là những bậc tiền nhân của Họ Tạ ở Việt Nam trong lịch sử bảo vệ và dựng xây quê hương đất nước của dân tộc sớm nhất mà chúng ta đã xác định được cho đến thời điểm hiện tại.
Câu đối hai bên cửa đền nơi thờ ngũ vị Đại Vương còn ghi lại như sau:

” Lục Đại Hùng Triều Mộng Ứng Tài Hiền Phù Hộ Quốc
Ngũ Công Tạ Tộc Song Toàn Văn Võ Phá Ân Binh “

國 護 扶 賢 才 應 夢 朝 雄 代 六
Quốc Hộ Phù Hiền Tài Ứng Mộng Triều Hùng Đại Lục
兵 殷 破 武 文 全 双 族 謝 公 五
Binh Ân Phá Võ Văn Toàn Song Tộc Tạ Công Ngũ
Dịch nghĩa:
“Triều đại Vua Hùng thứ VI có hiền tài giúp nước, ứng với chiêm bao
Năm vị Tướng Công Họ Tạ giỏi văn giỏi võ đánh thắng giặc Ân”

Để tri ân công lao đánh đuổi giặc ngoại xâm, giúp dân xây dựng quê hương, đất nước của bảy anh em Họ Tạ, triều đình nhà Lê Sơ đã cho xây dựng lại khang trang nơi Đền thờ Ngũ vị Đại Vương và Phủ thờ Nhị Vị Thánh Mẫu tại Điềm Xá trang (Ngày nay thuộc địa bàn xã Minh Phượng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên). Hàng năm cho mở lễ rước và hội thi đấu vật cầu vào dịp 10/3 âm lịch để diễn tả lại cảnh rèn luyện quân đội và tinh thần thượng võ của các ngài thuở xưa tại khu “Đống vật” (là khu di tích bãi thao luyện quân sĩ của các Ngài từ lục đại Hùng triều) trong năm còn hai ngày: Lễ tri ân Ngũ Công Tạ Tộc được tổ chức vào ngày 15/8 âm lịch và lễ huý kỵ của nhị vị Thánh Mẫu ngày 10/10 âm lịch. (Theo thần phả biên chép: thì cả 5 anh em Tạ Tộc đã cùng thác một ngày tại chính sở sinh từ trong một cơn giông lốc, mộc tặc bao phủ thành mộ lớn – ngày đó là ngày mồng 3 tháng giêng năm Tân Sửu. Nhân dân địa phương lập thiên miếu phụng sự và dâng biểu tấu triều đình, Vua nghe biểu tấu bèn gia phong mỹ tự:

“Vạn Cổ Thượng Đẳng Thần”
神等 上 古 萬
THẦN ĐẲNG THƯỢNG CỔ VẠN
Dịch nghĩa:
” Mãi mãi là bậc thánh thần cao nhất “

rồi sai sứ thần rước sắc phong và chiếu ban đến cho dân địa phương đăng lưu hương hoả truyền muôn đời).
Các nghi thức đó đã được nhân dân địa phương lưu giữ và bảo tồn đến nay. Đặc biệt tại Điềm Xá Trang nhân dân vẫn còn lưu giữ được nguyên vẹn di tích khu lăng mộ của Ngũ vị Đại Vương Họ Tạ an tọa trên dấu tích khu “Đống Vật”. Trải qua suốt hàng nghìn năm với nhiều biến cố thăng trầm của dân tộc, con cháu Họ Tạ đã đi khắp muôn nơi sinh sống và không còn ai ở lại nơi này..
Một bậc Trưởng lão Họ Tạ khi trở về thăm nơi đây đã xúc động nhắc lại lời của cổ nhân:

” Tiền Nhân Cốt Khí Thiên Thu Tại
Hậu Duệ Tung Kinh Vạn Lý Hoành”

在 秋 千 氣 骨 人 前
TẠI THU THIÊN KHÍ CỐT NHÂN TIỀN
橫 里 萬 涇 蹤 裔 後
HOÀNH LÝ VẠN KINH TUNG DUỆ HẬU
Dịch nghĩa:
” Anh Linh, Hài Cốt của Tiên Tổ an toạ nơi đây hàng nghìn năm
Con cháu đời sau đã sinh sôi nảy nở tỏa đi khắp muôn phương”

Chứng minh một giá trị bất biến về cội nguồn dòng họ:
“Cây mọc nghìn cành nhờ có gốc – Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn”.

Quần thể di tích Phủ Điềm đã được nhà nước trú trọng quan tâm đặc biệt và cử các cơ quan hữu quan nghiên cứu lập hồ sơ khảo cổ. Ngày 15 tháng 11 năm 1988 Bộ Văn hoá đã ra Quyết định trao bằng công nhận Phủ Điềm là Di tích lịch sử Quốc gia, ngày 25 tháng 7 năm 2019 tổ chức UNESCO đã trao bằng bảo trợ, công nhận Phủ Điềm là quần thể di tích lịch sử, lâu đời – nơi hội tụ văn hoá tâm linhcủa người Việt.
Ngày nay, toàn Tộc Tạ Việt Nam đã hội tụ ý chí kết đoàn cùng chung tay xây dựng khối thống nhất Họ Tạ Việt Nam thành một tổ chức dòng họ hoạt động theo tôn chỉ:

Họ Tạ Việt Nam
Hướng Về Cội Nguồn
Tri Ân Tổ Tiên
Phát Huy Truyền Thống
Đoàn Kết Phát Triển

Thì quần thể khu di tích lịch sử Phủ Điềm đã được con cháu dòng họ từ khắp các Chi Tộc Tạ sinh sống trên mọi miền của Tổ Quốc và ở hải ngoại quan tâm, biết đến nhiều hơn và tìm về để tri ân với Tiên Tổ với một lòng tự tôn và đầy tự hào về một nguồn cội.
Nối tiếp truyền thống ngàn đời của các bậc tiền nhân dòng họ, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trải suốt chiều dài lịch sử, dòng họ Tạ đã có biết bao lớp người trở thành các công hầu, khanh tướng, các tạo sĩ, tiến sĩ, trạng nguyên, khoa bảng và ngày nay đã có hàng ngàn, hàng vạn các giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, các nhà khoa học, các chính trị gia, các sĩ quan, các chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang là người Họ Tạ đã và đang phấn đấu đóng góp công sức, trí, lựctrên mọi lĩnh vực quan trọng, nhiều doanh nhân thành đạt trên các lĩnh vực công nghệ, sản xuất, thương mại, dịch vụ…, tất cả họ đã và đang góp một phần không nhỏ cùng với trăm họ anh em trong cộng đồng các Dân tộc Việt Nam vì sự bình yên, tiến bộ và phát triển của cả Dân tộc.

1. Bà Tạ Gia Vĩnh và Bà Tạ Thị Tần
Tinh thần dân tộc, khí phách hào hùng của dòng Họ Tạ không chỉ thể hiện ở những bậc nam nhi mà chúng ta còn thấy trong 75 nữ tướng kiệt xuất dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40-43.CN). Bà Tạ Vĩnh Gia và Bà Tạ Thị Tần là Hai vị dũngTướng, các bà là biểu tượng sớm nhất về sự bình quyền với tinh thần kiên trung bất khất của phụ nữ Việt Nam nói chung và Phụ Nữ Họ Tạ nói riêng.

2. Cụ Tạ Sùng Hy
Cụ Tạ Sùng Hy đã từng phá vây quân Ngô giải vây cứu Đinh Bộ Lĩnh – Sau khi xưng Thiên Tử, Đinh Tiên Hoàng phong Tạ Sùng Hy là Sùng Hy Đại Vương. Sùng Hy Đại Vương cáo quan về ở ẩn tại thôn An Nhân, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, Nam Định, khi ông chết nhân dân xây lăng mộ và đền thờ ông, các đời Vương triều sau: Lý, Trần, Lê… đã truy tặng nhiều sắc phong cho Sùng Hy Đại Vương đến nay vẫn được lưu giữ cẩn thận. Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Nam Định đã công nhận nơi đây là khu di tích lịch sử cần được bảo tồn.

3. Cụ Tạ Đại Lang
Cụ Là lưỡng quốc Trạng nguyên thời nhà Trần (Trần Duệ Tông-1374): Trần Triều tiến sỹ Sơn Tây Kinh Lược Sử. Triều đình nhà Minh biết cụ là người thông minh tài giỏi, nhân chuyến đi sứ của cụ, vị vua nhà Minh có ý định mua chuộc giữ cụ ở lại, nhưng với tấm lòng trung quân ái quốc cụ đã từ chối.
Vua nhà Minh ra điều kiện phải trả lời được vế đối thì sẽ cho về nước. Với thâm ý sử dụng tên họ của Tạ Đại Lang để đưa ra câu đối 11 chữ, nếu đối được thì cho về nước; Vế đối vừa hay vừa hiểm hóc, nguyên văn chữ hán như sau:
王 君 謝 – 地 謝 – 天 謝 – 謝 言 身 寸
Âm hán: Thốn Thân Ngôn Tạ, Tạ Thiên, Tạ Địa, Tạ Quân Vương
Dịch nghĩa: Người họ Tạ từ trong suy nghĩ, lời nói cũng phải cảm ơn trời, cảm ơn đất, cảm ơn vua.
Với lối chơi chữ thâm thuý sử dụng chữ Tạ (謝) trong tên họ của Tạ Đại Lang:
thốn: (寸) thân: (身) ngôn: (言) ghép thành chữ Tạ (謝)
vua nhà Minh có hàm ý bảo Tạ Đại Lang phải tạ ơn trời, tạ ơn đất và phải tạ ơn Quân Vương (ý nói tạ ơn vua nhà Minh).
Tạ Đại Lang liền ứng khẩu 11 chữ đối lại, nguyên văn chữ hán như sau:
母 父 思 – 家 思 – 国 思 – 思 心 口 十
Âm hán: Thập khẩu tâm tư, tư quốc, tư gia, tư phụ mẫu
Dịch nghĩa: Hoàn toàn suy nghĩ, tình cảm trong tôi luôn nhớ về tổ quốc, nhớ gia đình, nhớ cha mẹ.
Vế đối ứng 11 chữ của Tạ Đại Lang thể hiện phẩm chất cao quý của một sứ thần luôn trung thành vì lợi ích quốc gia mà không màng danh lợi cho bản thân, không những thế cụ còn thể hiện là một người con hiếu thảo với gia đình và cha mẹ – (cụ đã so sánh trong vế đối và coi trọng cha mẹ mình hơn cả bậc quân vương nhà Minh).
thập:(十) khẩu:(口) tâm:(心) ghép lại thành chữ tư:(思)
có nghĩa là tưởng nhớ. Hàm ý là bản thân xa sứ nên có tâm tư sâu nặng nhớ quê hương.
Vua nhà Minh nể, phục tài trí thông minh, tài ngoại giao và tinh thần yêu nước của cụ, phong cho cụ là lưỡng quốc trạng nguyên và mở hội tiễn cụ hồi hương. Trước khi ra về sứ thần Tạ Đại Lang tặng lại vua nhà Minh hai chữ Tạ Tư: (思謝) ý nói cả triều đình nhà Minh sẽ còn mãi nhớ tới sứ thần Đại việt mang họ Tạ… Hành trình hồi hương trên đường về đến tỉnh Sơn Tây (thuộc Trung Quốc ngày nay) cụ đột ngột qua đời và được an táng tại đó.
Tại đền Trung, thôn Thạch Lỗi xã Khánh Dương, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình – một ngôi đền cổ đã được công nhận là khu di tích lịch sử xây dựng từ thời hậu Lê thờ các vị tổ và nhiều danh nhân của dòng họ Tạ, một nhân vật nổi tiếng ở trong vùng là Tạ Đại Lang, tiến sỹ thời Trần. Bài vị ghi rõ: “Tôn thần tử tiến sĩ Sơn Tây kinh lược sứ phụng Bắc sứ đại sư thần Tạ Bình An đại vương thần vị” (nghĩa là thần vị thờ Tạ Đại Lang, tự là Bình An, đỗ tiến sĩ đời nhà Trần làm quan to khi đi sứ Sang triều đình nhà Minh ở phương Bắc). Ở một số công trình tâm linh của họ Tạ tại các địa phương thuộc tỉnh Ninh Bình vẫn gìn giữ phong tục truyền thống tế lễ tri ân anh linh cụ Tạ Đại Lang trong ngày huý kỵ của cụ.

4. Cụ Tạ Tử Điên
Mùa thu năm Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa thứ 6, (ngày 23 tháng 8 năm 1448), Vua Lê Nhân Tông ngự điện Tập Hiền, đích thân ra đề văn sách. Lấy những bài thi có văn phong khí cốt đáng khen, ban cho đỗ Tiến sĩ cập đệ và xuất thân có thứ bậc khác nhau. Mọi nghi thức ban cấp áo mũ, yến tiệc. Duy có việc dựng đá đề danh thì lúc đó chưa kịp tiến hành. Mãi tới niên hiệu (Hồng Đức thứ 15) năm (1484) Vua Lê Thánh Tông mới khởi dựng văn bia Tiến Sĩ  tại nhà thái học Văn Miếu Thăng Long.
Cụ Tạ Tử Điên người xã Ỷ La, huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Dương Nội huyện Hoài Đức, Tp. Hà Nội), về sau di cư đến xã La Phù (nay thuộc xã La Phù, huyện Hoài Đức, Tp. Hà Nội). Cụ đã thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân trong khoa thi này và làm tới chức quan Tham chính, cụ được Hoàng Thượng yêu mến, tin tưởng và từng được cử đi sứ sang nhà Minh ở (Phương Bắc). Ngày nay các Chi Ho Ta ở Xã La Phù đều là hậu duệ của cụ.

5. Cụ Tạ Công Luyện(Triều Lê Thánh Tông)

Cụ Tạ Công Luyện đuợc vua sắc phong cho danh hiệu: “ Tướng Công Khâm Mệnh Luyện Khê Hầu”, cuối năm Hồng Đức thứ 2(1471) được vua giao Phó sứ đồn điền, với nhiệm vụ di dân lập ấp, khai hoang từ Quảng Bình, Quảng Trị Thừa Thiên đến Nghệ An để bình định cư dân và sản xuất quân lương cho vương triều. Ngài chọn phía Tây Nam, Diễn Châu đặt bản doanh để lập trang trại – Tạ Công Luyện qua đời vào ngày 05/4/1510, triều đình cho quốc sư địa lý đến tìm đất mai táng tại Diễn Thọ. Triều đình cũng sắc phong là “Bổn Cảnh Thành Hoàng”, “Phó sứ Luyện Khê Hầu Dũng Lượng Danh uy”, “Gia tặng Thành Hoàng.

6. Cụ Tạ Đức Hải
Cụ là Người huyện Phù Ninh nay là huyện Quế Võ tỉnh Bắc Giang. Đỗ Đệ Tam Giáp đồng Tiêu sỹ Xuất thân, Khoa Ất Mùi, niên hiệu Hồng đức thứ 6 (1475) đời vua Lê Thánh Tông, Có tiếng là Thần Đồng ( Quan Hàm Không lưu chép )

7. Cụ Tạ Thông
Cụ là Người thôn Yên Hưng huyện Sùng Yên (nay là tỉnh Tuyên Quang) Đồ Đệ tam Giáp đồng Tiểu sỹ Xuất thân , Khoa Ất Mùi, niên hiệu Hồng đức thứ 6 (1475) đời vua Lê Thánh Tông . Thông Thi Thư từ lúc còn nhỏ , nổi tiếng hay chữ. ( Quan Hàm Không lưu chép ).

8. Cụ Tạ Hùng Kiệt
Cụ là Người xã Dương Bảng huyện Đan Phương nay là thôn Phương Bảng xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội. Đỗ Đệ Tam Giúp đồng Tiến sỹ Xuất thân , Khoa Mậu Tuất , Niên hiệu Hồng Đức 9 (1478) đời vua Lê thánh Tông . Đỗ Tiến Sỹ năm 35 tuổi. Làm quan đến chức Tả Thị Lang, Thọ 70 tuổi, khi mất được phong Thượng Thư.

9. Cụ Tạ Tài
Cụ là Người xã Tùng Hồ huyện Kim Hoa này thuộc huyện Sóc Sơn Hà Nội. Đỗ Đệ nhị Giáp đồng Tiến sỹ Xuất thân, (Hoàng Gia) Khoa Giáp thìn , niên hiệu Hồng đức 15 (1484) đời vua Lê Thánh Tông.

10. Cụ Tạ Trọng Mô ( Sinh năm 1509 )
Cụ là người xã Mân Xá huyện Yên Phong nay là thôn Mân xá xã Văn Môn huyện Yên Phong tỉnh Bắc Giang. Đỗ Đệ Tam Giáp đồng Tiến sỹ Xuất thân Khoa Canh Tuất , niên hiệu Cảnh Lịch 3 ( 1550 ) đời Mạc Phúc Nguyên. Đổ năm 42 tuổi . Làm quan đến chức Tham Chính.

11. Cụ Tạ Đình Huy
Cụ là người xã Hồng Khê huyện Duy Tân nay là xã Yên Nam huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam. Đỗ Đệ nhị Giáp đồng Tiến sỹ Xuất thân , Khoai Tân Mùi , niên hiệu Hồng thuận 3 (1511) . Đời Vua Lê Tương Dực. Làm quan đến chức Cấp Sự Trung.

12. Cụ Tạ Đình Quang
Cụ là người xã Sinh Quả, huyện Thanh Oai,  nay là thôn Sinh Quả xã Bình Minh Huyện Thanh Oai, Hà Nội. 26 tuổi Đỗ Đệ tam Giáp đồng Tiến sỹ xuất thân, Khoa Nhâm Thìn, Niên hiệu Đại Chính 3.(1532 ) đời Mạc Đăng Doanh. Năm 1542 đi sứ Nhà Minh – Làm quan đến chức Thương Thư, Tước Bá ( Sau bị lỗi truất xuống Thừa Chính sứ , Trức Văn Dương Lầu.)

13. Cụ Tạ Tuân
Cụ là người xã Ngô Khê huyện Đông Ngàn nay là thôn Ngô Khê xã Liên Hà huyện Đônh Anh Hà Nội. Đỗ Đệ Tam Giáp đồng Tiến sĩ Xuất thân , Khoa Ất Mùi , Niên hiệu Đại Chính 6 ( 1535 ) đời Mạc Đăng Doanh . • Làm quan đến chức Thị Lang , Tước Ninh Xuyên Hữu

14. Cụ Tạ Hiển Đạo
Cụ là người xã Đình Xá huyện Yên Lạc nay là thôn Đình Xá xã Nguyệt Đức huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phú. Đỗ Đệ tam Giáp đồng Tiến sỹ Xuất thân , Khoa Giáp Thìn , niên hiệu Quảng Hoa 4 ( 1544 ) đời Mạc Phúc Hải . Làm quan đến chức Hiến Sát Sứ, Tước Quảng Xuyên Bí.

15. Cụ Tạ Nhi
Cụ là Người xã Phượng Tường huyện Tiên Lữ nay là thôn Phượng Tường xã Nhật Tân, huyện Phù Tiên, tỉnh Hưng Yên. Đỗ Đệ tam Giáp đồng Tiến sỹ Xuất thân, Khoa Đinh Mùi, niên hiệu Vĩnh Định1 (1547) đời Mạc Phúc Nguyên. Làm quan đến chức Hiển Sát Sử.

16. Cụ Tạ Đình Đương (1559 – 1639 )
Cụ là người xã Đại Định huyện Thanh Oai nay là thôn Đại Định, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Đỗ Đệ tam Giáp đồng Tiến sỹ Xuất thân , Khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hoàng Định 6 (1604 ) đời Lê Kính Tông. Thi đỗ năm 46 tuổi . Làm quan đến chức Để hình giám sát ngự sử, Tước Lăng Khê tử về Trí sĩ , Cụ thọ 81 tuổi.

17. Cụ Tạ Đăng Vọng (Sinh 1644)
Cụ là người xã Đại Phùng huyện Đan Phượng nay là thôn Đại Phùng xã Đan Phượng huyện Đan Phượng Hà Nội. Năm 40 tuổi Đồ Đệ tam Giáp đồng Tiến sỹxuất thân Khoa Quý Hợi,  niên hiệu Chính Hoà 4 ( 1683 ) đời Vua Lê Hy Tông. Làm quan đến chức Giám Sát Ngự Sử .

18. Cụ Tạ Đăng Huân ( 1672-1741 )
Cụ là người xã Đại Phùng huyện Đan Phượng nay là thôn Đại Phùng xã Đan Phượng, huyện Đan Plượng, Hà Nội. Thi Hương đỗ Giải Nguyên , 26 tuổi đỗ Đệ Nhị Giáp lồng tiến sỹ xuất thân , ( Hoàng Giáp ) Khoa Canh Thìn niên hiệu Chính Hoà 2 (1700)đời Vua  Lê Hy Tông Làm quan đến chức Lễ Bộ Hữu Thị Lang, Tước Tử, Kiêm Quốc Tử Giám Tể tửu. Hưởng thọ 70 tuổi. Khi chết được tặng thêm chức Tả Thị Lang.

19. Cụ Tạ Đình Hoán ( Sinh 1723 )
Cụ là người xã Đại Định huyện Thanh Oai nay là thôn Đại Định, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội. 30 tuổi đỗ Đệ tam Giáp đồng Tiến sỹ xuất thân Khoa Nhâm Thân , niên hiệu Cảnh Hưng 13 (1752 đời Vua Lê Hiển Tông). Cụ làm quan đến chức Cấp Sự Trung, Tước Hoàng Khê Bá, Được cử đi giữ chức Đốc Đồng Tuyên Quang. Mất ở nhiệm sở.

20. Cụ Tạ Đăng Đạo ( Sinh 1731 )
Cụ là người xã Đại Phùng huyện Đan Phượng nay là thôn Đại Phùng xã Đan Phượng huyện Đan Phượng 1 Hà Nội . Là con cụ Tạ Đăng Huân, cháu nội cụ Tạ Đăng Vọng . Đỗ Giải nguyên thi Hương. Năm 30 tuổi Đỗ Đệ Tam Giáp đồng Tiến sỹ, Xuất thân, Khoa, Canh Thìn niên hiệu Cảnh Hưng 21 ( 1760 ) đời Vua Lê Hiển Tông. Làm quan đến chức Lễ Khoa Cấp sự Trung .

21. Cụ Tạ Quang Cự (Tân Mão1771- Nhâm Tuất 1862).
Cụ là Danh tướng triều Nguyễn, quê gốc Nghệ An, sau dời về ở huyện Phú Vang Thừa Thiên. Cụ xuất thân là Cai đội, thăng làm Vệ úy. Năm Đinh hợi 1827, Cụ cùng Thống chế Phan Văn Thúy và Phó tướng Nguyễn Văn Xuân lập chiến công hiển hách giữ vững miền Nghệ Tĩnh, chống lại quân Xiêm xâm lược, được phong làm Phòng ngự sứ trấn thủ ở Trấn Ninh. Đến năm Canh dần 1830, thăng Tổng đốc An Tịnh kiêm lãnh Tuần vũ Nghệ An. Năm Mậu tuất 1838, Vua Minh Mạng truyền dựng bia Võ công ở trước sân Võ miếu tại Kinh đô, bia ghi tên 20 danh tướng, tên ông đứng hàng thứ 11. Sang đời Thiệu Trị, Cụ được gia phong Thái bảo, kiêm quản Hậu quân. Đầu đời Tự Đức, Cụ lại kiêm quản Tả quân, rồi về hưu. Năm Nhâm tuất 1862 Cụ mất, hưởng thọ 91 tuổi.

22. Cụ Tạ Kim Vực ( Sinh 1805).
Cụ là người xã La Hà, huyện Bình Chánh, tỉnh Quảng Bình nay là thôn La Hà xã Quảng Văn huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình. Đỗ Cử nhân khoa Đinh Dậu (1837). 34 tuổi đỗ Phó bảng khoa Mậu Tuất , niên hiệu Minh Mệnh 19 (1838) Làm quan đến chức Đông Tri Phủ.

23. Cụ Tạ Thúc Dĩnh ( Sinh 1843 )
Cụ là Người xã Minh Hương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên nay là thôn Minh Hương, xã Hưng Vĩnh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đỗ Cử nhân Khoa Canh Ngọ (1870). 33 Tuổi đỗ Phó Bằng Khoa Ất Hợi niên hiệu Tự Đức 28 (1875) Làm quan đến chức Lại bộ Tham Tri .

24. Cụ Tạ Văn Cán ( Sinh 1853)
Cụ là Người xã Thu Quế huyện Đan Phượng, Hà Nội.  Đỗ Cử nhân Khoa Tân Mão ( 1891) 40 Tuổi đỗ Đệ tam Giáp đồng Tiến sỹ xuất thân Khoa Nhâm Thìn niên hiệu Thành Thái 4 ( 1892).

25. Cụ Tạ Hiện: còn có tên là Tạ Quang Hiện (1841 – 1887 hoặc 1893).
Cụ là người ở thôn Quang Lang xã Thụy Hải, huyện Thụy Anh (nay thuộc huyện Thái Thụy), tỉnh Thái Bình, là Đề đốc quân vụ Bắc kỳ (tướng nhà Nguyễn, thời vua Hàm Nghi). Năm 1882, Tạ Hiện được vua Tự Đức thăng chức Đề đốc. Nhưng khi Pháp xâm lược Bắc Kỳ lần thứ hai vào năm 1883, triều đình Tự Đức phải ký hòa ước bán nước, cụ rất bất bình và đã trả ấn từ quan để phản đối. Về quê, cụ tập hợp nghĩa quân, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa chống Pháp, trở thành lãnh tụ phong trào Cần Vương…

26. Cụ Tạ Hàm ( Sinh 1856 )
Cụ là Người Ai La Hà huyện Bình Chánh tỉnh Quảng Bình nay là thôn La Hà, xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.  Con của cụ Tạ Khuê, cháu cụ Tạ Kim Pha, Tạ Kim Vực, Tạ Kim Bảng, Tạ Ngọc Đường. Đỗ Cử nhân Khoa Tân Mão (1891) Năm 37 Tuổi đỗ Đệ tam Giáp đồng Tiến sỹ xuất thân Khoa Nhâm Thìn niên hiệu Thành Thái 4 (1892)

27. Cụ Tạ Tương ( Sinh 1857 )
Cụ là Người Sĩ Chính Lộ, huyện Chương Nghi, tỉnh Quang Ngãi. Năm 36 Tuổi đỗ Đệ tam Giáp đồng Tiến sỹ xuất thân Khoa Nhâm Thìn niên hiệu Thành Thái 4 (1892). Làm quan đến chức Tri phủ Thăng Bình .

28. Cụ Tạ Thúc Đĩnh ( Sinh 1880 )
Cụ là Người xã Minh Hương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên nay là thôn Minh Hương, xã Hưng Vĩnh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế . Đỗ Cử nhân Khoa Quý Mão (1903) Năm 25 Tuổi đỗ Phó bảng Khoa Giáp Thìn niên hiệu Thành Thái 16 (1904). Làm quan đến chức Thị Lang

Trong mọi hoàn cảnh của đất nước, họ Tạ luôn có những con người ưu tú, đóng góp phần máu xương, trí lực trong sự nghiệp phát triển của dân tộc. trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ và đánh đuổi thực dân cùng các thế lực thù địch còn có:

29. Tạ Uyên (1898-1940)
Ông là một nhà cách mạng Việt Nam. Ông là một trong ba Bí thư chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Ninh Bình và từng là Bí thư xứ ủy Nam Kỳ.Ông còn có tên là Châu Xương, sinh ngày 5 tháng 8 năm 1898, tại làng Côi Trì, tổng Yên Mô, nay thuộc địa phận xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Song thân ông là ông Tạ Hoạt và bà Lê Thị Huynh. Ông từng theo Nho học và từng đỗ khóa sinh vào năm 18 tuổi.Cụ Tạ Uyên là một trong ba Bí thư chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Ninh Bình. Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, ông đã trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra vào ngày 23-11-1940. Tuy nhiên, một ngày trước cuộc khởi nghĩa, ngày 22-11-1940 ông bị bắt tại Sài Gòn và bị xử tử vào ngày 10 tháng 12 năm 1940.

30. Tạ Quang Bửu: (1910–1986)
Ông Tạ Quang Bửu sinh ngày 23 tháng 7 năm 1910, trong một gia đình nhà giáo tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành (nay là xã Khánh Sơn), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1917 tại Tam Kỳ – Quảng Nam, trong kỳ thi về chữ Hán ngữ – Văn hoá Việt – Toán được tổ chức cho các em học sinh lên bảy, ông đã đỗ rất cao và từ đó trở nên nổi tiếng vì học tập xuất sắc. Năm 1922, ông thi vào trường Quốc học Huế và đỗ thứ 11. Sau đó ông ra Hà Nội học trường Bưởi. Năm 1929, sau khi đỗ đầu tú tài Việt và đỗ đầu tú tài Tây ban Toán, ông nhận được học bổng của Hội Như Tây Du học của Nguyễn Hữu Bài và sang Pháp học. Ông thi đỗ vào Trường Centrale (A) Paris năm 1930, học Toán ở các trường Đại học Paris, Bordeaux (Pháp) và Oxford (Anh) từ 1930 đến 1934.
Ông là giáo sư, nhà khoa học Việt Nam, người đặt nền móng cho lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khóa VI (1946–1981). Giáo sư Tạ Quang Bửu là một trong những nhà trí thức tài giỏi của Việt Nam từ khi giành độc lập năm 1945. Ông đã cống hiến rất nhiều cho sự nghiệp Cách mạng và giải phóng dân tộc cũng như nền khoa học nước nhà và góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển giáo dục Việt Nam.

31. Tạ Đình Đề (còn có tên là Lâm Giang) (sinh 8 tháng 8 năm 1917 – mất 17 tháng 1 năm 1998)
Ông quê ở thôn Đại Định, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông nay thuộc thành phố Hà Nội. Ông Là nhà cách mạng Việt Nam, từ một nhà tình báo và sau trở thành một nhà cải cách kinh tế. Cuộc đời ông là cả một trang huyền thoại, ông đã cống hiến trọn đời cho nền độc lập của dân tộc mặc dù phải chịu đựng rất nhiều sóng gió và trái ngang.

Tạ Đình Đề được đào tạo thành gián điệp và tốt nghiệp tại Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) với tấm bằng xuất sắc. Ông tham gia các hoạt động vũ trang và được Việt Minh phân công hoạt động tình báo cùng Phái bộ Mỹ trong Phe Đồng minh chống phát xít Nhật.
Sau Giải phóng Thủ đô, rời quân ngũ ông về công tác tại Tổng cục Đường sắt Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu vào tháng 2 năm 1991. Ông đã tạo điều kiện, dìu dắt, nâng đỡ và cưu mang nhiều người sa cơ lỡ vận, nhận vào làm công nhân vừa làm, vừa học tại Xưởng Dụng cụ Cao su Đường sắt, nhiều người đã trở thành Bác sĩ, Kỹ sư, Giám đốc, trở thành Nhạc sĩ, Nghệ sĩ nổi tiếng (như Phan Lạc Hoa, Lưu Quang Vũ… ).
Cuộc đời của ông bắt đầu bằng những câu chuyện huyền thoại và kết thúc cũng bằng những câu chuyện huyền thoại. Ông tư duy sống dựa trên suy nghĩ của mình và lẽ phải, chứ không dựa vào quy định và cơ chế, chính điều đó đã dẫn ông phải chịu một chuỗi ngày dài bị oan khuất… Ngày 27 tháng 11 năm 1974, Tạ Đình Đề bị bắt lần thứ nhất. Bị giam cứu hai năm để điều tra. Từ ngày 7 tháng 6 đến 12 tháng 6 năm 1976, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử Tạ Đình Đề với tội danh tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa. Qua 6 ngày xét xử, Tòa tuyên “Tha bổng” Tạ Đình Đề – Luật pháp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc đó không có từ “Tha bổng”. Tháng 8 năm 1985, Tạ Đình Đề lại bị bắt lần thứ hai. Ngày 3 tháng 9 năm 1987, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử Tạ Đình Đề với 34 tội danh. Những ngày này, nhiều cơn “Địa chấn” dữ dội ở khu vực trước Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội – Đó là những đám đông người từ các địa phương Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định kéo lên, người từ các Công xưởng, phố xá ùn ùn kéo tới, đứng tràn cả ra đường Lý Thường Kiệt. Kết quả Tòa không luận được tội trạng và tuyên là Tạ Đình Đề không phạm tội. Ông được trả tự do ngay tại Tòa.

Khi ông chết, Đám tang ông có nhiều Cán bộ Cấp cao của Đảng và Nhà nước, đồng đội, bạn bè, chiến hữu của ông. Trong số đó có cả người từng ngồi ghế phiên toà xét xử ông, cùng đông đảo dân chúng, trong đó có hàng chục người xin gia đình cho để tang vì Tạ Đình Đề đã chỉ huy phá kho thóc cứu đói họ và gia đình năm 1945.

32. Tạ Thái An: (Thượng tướng: Hoàng Minh Thảo)
Ông tên thật là Tạ Thái An, sinh ngày 25 tháng 10 năm 1921 tại xã Bảo Khê, huyện Kim Động (nay thuộc thành phố Hưng Yên), tỉnh Hưng Yên, con ông Tạ Quang Khai và bà Nguyễn Thị Tành. Ông mất ngày 8 tháng 9 năm 2008.

Ông là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Thượng tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Là một vị tướng trận mạc, ông cũng đồng thời được biết đến là một nhà lý luận quân sự hàng đầu của Việt Nam..
Ngoài nắm giữ các chức vụ Tư lệnh các chiến dịch quan trọng, quản lý các Học viện quân sự, ông còn là một người thầy của nhiều thế hệ tướng lĩnh quân đội, một nhà nghiên cứu lịch sử quân sự và lý luận quân sự xuất sắc ở tầm chiến lược. Ông được phong Giáo sư ngành Khoa học quân sự năm 1986, Nhà giáo nhân dân năm 1988. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm quân sự. Ngoài ra, ông còn là Ủy viên Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam. Ông nghỉ hưu vào năm 1995, nhưng vẫn tham gia công tác nghiên cứu về khoa học quân sự. Do công lao của ông, Nhà nước Việt Nam đã tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, huân chương Quân công hạng nhất, huân chương Chiến công hạng nhất và nhiều huân chương cao quý khác. Năm 2005, ông được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Cụm công trình về nghệ thuật quân sự Việt Nam.

33. Tạ Ngọc Phách tức (Trần Độ). (23 tháng 9 năm 1923 – 9 tháng 8 năm 2002)
Sinh trưởng trong một gia đình công chức ở xã Tây Giang huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Bố ông là thư ký ở toà thông sứ tại Hà Nội (thường gọi là “quan phán”)
Trần Độ là nhà quân sự, chính trị gia, Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chuyển sang ngạch dân sự, ông giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Văn hóa kiêm Phó Ban Tuyên huấn Trung ương phụ trách văn hóa văn nghệ. Khi Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương được thành lập (1981), ông giữ chức Trưởng ban kiêm Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Ông còn làm Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa và giáo dục của Quốc hội, ủy viên Hội đồng Nhà nước (1989-1992). Ông cũng là ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa III (dự khuyết từ năm 1960 đến năm 1972), IV, V, VI (1960-1991).
Trung tướng Trần Độ – Tạ Ngọc Phách đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công (hạng nhất và hạng ba),…Ông mất ngày 9 tháng 8 năm 2002 sau một thời gian dài lâm bệnh nặng, tuổi cao, sức yếu.

Và còn nhiều những Công Hầu, Khanh Tướng, những Tạo Sĩ, Tiến sĩ, khoa bảng, những Anh hùng, Liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng là người Họ Tạ ở các thời kỳ lịch sử đã được phụng thờ tại các đền, phủ, tổ đường ở các địa phương, dòng họ mà hiện nay chúng tôi chưa có được tư liệu đầy đủ.
Rất mong các bà con thân tộc, các tổ chức họ Tạ tại các địa phương trên cả nước, cùng chung tay, tìm hiểu, thu thập, cung cấp cho Ban nghiên cứu Lịch Sử Họ Tạ Việt Nam các tài liệu của dòng họ Tạ nơi đã sinh ra mình, để bộ phận chuyên môn có trách nhiệm biên tập, xây dựng kho tài nguyên dữ liệu lịch sử Họ Tạ Việt Nam, làm cơ sở giới thiệu, biên soạn cuốn Việt Nam – lịch sử dòng Họ Tạ, làm cơ sở tốt nhất cho các cá nhân, tập thể người Họ Tạ, truy cập, nghiên cứu trong việc vấn Tổ tìm Tông và giáo dục truyền thống cho lớp lớp kế thừa.

BƯỚC NGOẶT QUAN TRỌNG CHO SỰ PHÁT TRIỂN

Cho đến thời điểm ngày 17 tháng 11 năm2019 (tức) ngày 21 tháng 10 năm Kỷ Hợi,tại Trung tâm sự kiện ALMAZ Long Biên – Hà Nội.Dưới sự tổ chức kết nối theo kế hoạch và chủ trương được xây dựng qua nhiều năm tháng của một số thành viên thuộc nhiều tầng lớp, lứa tuổi khác nhau của Họ Tạ với đầy tâm huyết đến từ nhiều chi Tộc -Đại Hội toàn Quốc của Họ Tạ Việt Nam đã chính thức được tổ chức với sự có mặt của gần 1.000Đại Biểu đại diện cho các Chi Tộc Tạ sinh sống tại 63 tỉnh thành trên cả nước và bà con kiều vào Họ Tạ ở nước ngoài về dự trước sự chứng kiến của hơn 100 vị khách mời là đại diện của các tổ chức chính quyền, đại diện của các dòng họ anh em và các cơ quan truyền thông, báo chí.
Đại hội Toàn Quốc Họ Tạ Việt Nam đã thành công tốt đẹp với sự nhất trí của 100% ý kiến Đại Biểu về dự thông quaQuyết Nghi lấy tên gọi : HỌ TẠ VIỆT NAM làm Tộc Hiệu, hoạt động thống nhất theo nội dung bản Điều Lệ Họ Tạ Việt Nam – 2019, xem đây là bản Tộc Ước của Họ Tạ Việt Nam. Đại Hội cũng nhất trí chọn mẫu thiết kế biểu tượng của Họ Tạ Việt Nam với tên gọi là Tộc Huy Họ Tạ Việt Nam, thống nhất chọn mẫu Tộc Kỳ với biểu tượng Thiên-Địa-Nhân ở trung tâm và sự kết hợp của ngũ hành tương sinh trong họa tiết tạo nên tính hướng thượng và nét văn hoá đặc trưng của Họ Tạ Việt Nam. Đồng thời Đại Hội đã thông qua các nội dung quan trọngđược nêu trong báo cáo của ban thường trực Lâm Thời và ra Quyết Nghị định hướng cho các công tác đoàn kết xây dựng dòng Họ Tạ Việt Nam trong giai đoạn nhiệm kỳ 2019-2023 với phương châm:

Họ Tạ Việt Nam
Hướng về cội nguồn
Tri ân Tổ Tiên
Phát huy truyền thống
Đoàn kết, phát triển.

Sau khi diễn ra Đại Hội Toàn Quốc Họ Tạ Việt Nam, Hội Đồng Họ Tạ Việt Nam gồm67 ủy viêntrong đó có 17 ủy viên thường trực dưới sự chỉ đạo chung của Ông Tạ Quyết Thắng – Chủ Tịch Hội Đồng Họ Tạ Việt Nam đã khẩn trương triển khai các hoạt động, từng bước thực hiện cácchủ trương được Quyết Nghị thông qua kỳ Đại Hội.

TOÀN TỘC TẠ VIỆT NAM BẮT TAY VÀO KIẾN THIẾT DÒNG HỌ

Với các hoạt động có định hướng và chủ trương cụ thể nhằm xây dựng khối đoàn kết Họ Tạ Việt Nam, đem lại lợi ích thiết thực cho từng thành viên Họ Tạ trên cả nước và kiều bào Họ Tạ ở nước ngoài, trong giai đoạn củng cố và hoàn thiện bộ máy hành chính của Hội. Ban thường trực đã triển khai các bước củng cố mạng lưới truyền thông qua các kênh thông tin điện tử, gấp rút tổ chức thành lập các Câu Lạc Bộ như Doanh Nhân Họ Tạ Việt Nam, Tuổi Trẻ Họ Tạ Việt Nam vv…Hội Đồng Họ Tạ Việt Nam cũng thường xuyên cử các đoàn công tác về các địa phương thăm hỏi, gặp gỡ bà con thân Tộc và kết hợp triển khai các hoạt động hữu ích. Qua đó đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bà con thân tộc ở các địa phương bày tỏ niềm tin, sự ủng hộ cao về các chủ trương hoạt động và những việc làm mà Hội Đồng Họ Tạ Việt Nam đang triển khai. Bà con ở nhiều địa phương cũng bày tỏ quan ngại và chia sẻ với những khó khăn trong giai đoạn đầu đi vào hoạt động của Thường Trực Hội Đồng Họ Tạ Việt Namđang phải vượt qua.Nhiều ý kiến mong muốn được chung tay góp thêm sức người, sức của để ủng hộ cho các hoạt động theo chủ trương của Họ Tạ Việt Nam đề ra và thực hiện…
Từ những kết quả bước đầu trong công tác xây dựng khối đại đoàn kết Họ Tạ Việt Nam, chúng ta hoàn toàn tin tưởng với những chủ trương đúng đắn và tinh thần đoàn kết cao độ của cộng đồng Họ Tạ Việt Nam, các thế hệ Họ Tạ hôm nay và các lớp kế thừa mai sau sẽ đoàn kết xây dựng dòng Họ Tạ ngày càng lớn mạnh, tiếp nối truyền thống của Tổ Tiên Họ Tạ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Giang Sơn, Xã Tắc kiến thiết xã hội ngày càng tươi đẹp và phồn vinh, viết tiếp lên trang sử vàng của dân tộc và của dòng họ những dấu son chói lọi.

(Sưu tập và biên soạn)
PCT.TT-HỘI ĐỒNG HỌ TẠ VIỆT NAM
Khoá I nhiệm kỳ 2019-2023

TẠ TUẤN ANH

Enter your keyword