Đền Đồng Hàn thuộc thôn Đồng Hàn, xã Hồng Lĩnh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, là ngôi đền nhỏ nằm cạnh làng Đồng Hàn ,nơi chứng kiến nhiều bước thăng trầm làng và của xã Hồng Lĩnh.Căn cứ vào bức thần chú ,đề:” Trưng triều Tạ Trinh công chúa .Nhàn uyển phu nhân,thượng Đẳng thần “ -trùng với cốt chủ làng Phú Hà ( xã Tân lễ,huyện Hưng Hà ) thờ Nữ tướng Tạ Thị Thục Trinh – Tướng quân của Nữ tướng Bát Nàn và cũng là nữ tướng của Trưng Nữ Vương.
Nữ tướng Tạ Thị Thục Trinh là con gái của cụ Tạ Vương Công-nhà nho,sinh năm Quý Mùi đời Hán Quang Vũ (23).Theo thần tích của Nguyễn Bính – Thượng thư Bộ Lễ đời Lê Thánh Tông thì bà là bậc quốc sắc thiên tài. Hưởng ứng hịch dấy binh của Trưng Nữ Vương, bà dẫn binh ứng nghĩa, giúp vua hạ thành Mê Linh. Bà được Trưng Vương ban thực ấp ở làng Đồng Hàn và làng Phú Hà, xã Tân Lễ và được phong tước hiệu là Thủy Trinh Công chúa.
Khi Mã Viện đem quân tái chiếm nước ta, bà đã cùng Trưng Vương đem quân về giữ cửa Lãng Bạc, sau đó hộ tống hai vua về đến sông Hát (Hát Giang). Ở đây, quân của Hai Bà bị quân của Mã Viện và phó tướng Lưu Long vây hãm ở cửa sông Hát, hai bên chiến đấu nhiều trận liền, sau đó quân của Hai Bà bị bao vây , cô lập, Trưng Vương đành tuẫn tiết. Trước tình thế này, Nữ tướng Tạ Thị Thục Trinh đau xót vái chủ tướng rồi đem quân rút về Đa Cương (quê cũ). Nhưng khi tới cửa Phú Hà thì bị quân của Mã Viện đuổi theo. Tạ Thị Thục Trinh đành dàn quân đánh trận tử chiến cuối cùng, khi ngoảnh lại thấy không còn một người lính nào và Bà đã nhảy xuống sông Nhĩ Hà tuẫn tiết. Hôm ấy là ngày 15 tháng 3 năm 43 SCN.
Để tưởng niệm người anh hùng liệt nữ của dân tộc, nhân dân các ấp Đồng Hàn và Phú Hà đã dựng đền thờ Bà – Đền Đồng Hàn. Trải qua quá trình lịch sử nhiều năm, ngôi đền đã nhiều lần trung tu tôn tạo và được các triều vua ban 03 sắc phong. Trong hai cuộc kháng Pháp và Mỹ, ngôi đền trở thành một cơ sở hoạt động cách mạng quan trọng:
– Năm 1948, Đền Đồng Hàn là nơi Ban chấp hành Đảng Bộ tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị bàn về việc xây dựng thôn trang kháng chiến, làng kháng chiến.
– Năm 1949, Đền là nơi Đảng Bộ huyện Duyên Hà tổ chức Đại Hội bàn về lao động sản xuất và xây dựng thôn trang kháng chiến, xây dựng lực lượng vũ trang của huyện.
– Cũng năm 1949, Đền là cơ sở làm việc của Văn phòng Ủy ban kháng chiến huyện Lý Nhân sơ tán về.
– Năm 1951, Đền là cơ sở làm việc của Ban chỉ huy Trung đoàn 64 thuộc Đại đoàn Đồng Bằng về việc kết hợp với lực lượng quân sự chủ lực của tỉnh và dân quân du kích huyện Duyên Hà.
– Trong suốt thời kháng Mỹ, Đền là nơi sơ tán hoặc cơ sở hoạt động của nhiều cán bộ lãnh đạo địa phương.
Với một lịch sử đáng ghi nhớ như vậy, đặc biệt là công lao to lớn của người anh hùng liệt nữ Tạ Thị Thục Trinh trong lịc sử dựng nước, giữ nước thời Hai Bà Trưng nên năm 1993, Đền Đồng Hàn được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Năm 2004 Đền tiếp tục được cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cần được bảo tồn.
Hiện nay Đền Đồng Hàn là nơi thờ cúng và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương, nơi thực hành các hoạt động tín ngưỡng dân gian truyền thống. Chính cung thờ Nữ tướng Tạ Thị Thục Trinh, cũng là nơi lưu đặt nhục thân của Bà. Các cung giữa và hai bên thờ Đạo Mẫu – bốn phủ và thờ Trần Triều. Mặc dù được trùng tu tôn tạo nhiều lần song Ban Quản lí di tích và nhân dân địa phương vẫn đang tiếp tục tôn tạo, bổ sung, nâng cấp Đền Đồng Hàn, xứng tầm là nơi thờ phượng một vị anh hùng liệt nữ, nơi sinh hoạt và phát huy các truyền thống văn hóa tâm linh của Uống nước nhớ nguồn, đó là đạo lí tốt đẹp của dân tộc, và chúng ta có được hòa bình độc lập như ngày hôm nay chính là nhờ một phần lớn công lao của các thế hệ đi trước. Hãy cùng tưởng niệm các anh hùng dân tộc.
Không ai chọn cho mình cách chết, cũng không ai muốn mình phải chết và không có cái chết nào có ý nghĩa bằng được sống. Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng bị đe doạ, của cải, ruộng nương làng mạc bị xâm chiếm thì lựa chọn cái chết để đất nước được trường tồn là một lựa chọn vinh quang và cao cả. Mỗi một thân xác nằm xuống, mỗi một phần thi thể mất đi là một ánh hào quang soi sáng hơn con đường xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đó là những dòng chữ bằng vàng khắc sâu vào những người con họ Tạ nói riêng và lịch sử 4 nghìn năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc.
Chúng ta -những người con mang trong mình dòng máu họ Tạ xin được gửi lời tri ân thành kính tới các thế hệ đã chiến đâu vì độc lập tự do, vì sự bình yên cho Tổ quốc hôm nay. Sống trong cảnh hòa bình, được cất tiếng hát ca sẽ không quên mảnh đất dưới chân mình đã thấm đượm mồ hôi, xương máu của cha anh đi trước, và xin nguyện sống xứng đáng với những kỳ vọng của các thế hệ đi trước. Thật tự hào về nữ tướng họ Tạ Việt Nam !
Tạ Ngọc Nam ( Ban lịch sử họ Tạ Việt Nam sưu tầm và biên soạn theo tài liệu còn lưu trữ tại Đền ngày 07/04/2021)